Tham dự buổi họp báo có bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM.
Mở đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, ngay khi xảy ra sự việc cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lấy mẫu nước để xét nghiệm và kết quả cho thấy dòng kênh bị ô nhiễm hữu cơ, độ PH tăng cao.
Cũng theo ông Trung, ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, Sở đã chỉ đạo các lực lượng đưa xuống 5 tấn chế phẩm Zeolite để xử lý nguồn nước.
Về tác hại của cá chết, ông Trung khuyến cáo người dân không nên vớt cá để sử dụng vào thời điểm này và đặc biệt là không nên thả cá phóng sinh ngay lúc này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở Tài nguyên và môi trường đã tập trung toàn bộ lực lượng gồm hơn 16 thuyền, ca nô để vớt số cá chết nổi trên kênh.
Ngoài ra Sở có tăng cường thêm thuyền của các đơn vị như khác như Công ty Công ích quận 8 và Khu đường sông để tập trung vớt toàn bộ số cá chết nổi trên sông.
Cũng theo ông Thắng, đến 17h chiều 17/5, số liệu thống kê cho thấy, lực lượng chức năng đã vớt được trên 14 tấn cá chết. “Tất cả số cá chết này sẽ được đưa về bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) để xử lý theo đúng quy trình”, ông Thắng thông tin.
Về biện pháp xử lý trước mắt, ông Trần Văn Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM cho biết, sẽ sử dụng chế phẩm sinh học Zeolite kết hợp với vi sinh để xử lý nước ở dòng kênh.
Tuy nhiên biện pháp lâu dài thì ông Nguyễn Phước Trung đề nghị phải có hệ thống xử lý nước thải ở đầu nguồn nhằm giảm tình trạng ô nhiễm.
Đến 17h chiều 17/5, số cá chết vớt được đã hơn 14 tấn
Đình Thảo