Người dân kiến nghị về việc cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Nhưng theo kết quả quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp thì các thông số đều ở ngưỡng cho phép, đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đây là thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương. Do đâu có sự “vênh” nhau giữa thực tế và kết quả quan trắc?
Chênh lệch kết quả quan trắc và thực tế
Khoảng đầu tháng 10-2013, Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Kiến An nhận được đơn kiến nghị tập thể của hơn 100 hộ dân thuộc tổ dân phố số 5, phường Đồng Hòa (Kiến An) đề nghị xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường cơ sở tái chế nhựa của Công ty TNHH Tân Thành Phúc. Theo đơn của các hộ dân, hằng ngày, mùi khói của công ty thải ra rất khó chịu và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân chung quanh. Theo quy định tại Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường thì tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải có trách nhiệm kiểm soát và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Việc công ty để khói bụi, khí thải ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường. Để xác định mức độ vi phạm của công ty và có biện pháp giải quyết triệt để, cần dựa trên kết quả quan trắc môi trường. Tuy nhiên, kết quả quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp cho thấy nồng độ các khí thải, chất thải của doanh nghiệp đều ở dưới ngưỡng cho phép theo quy định. Do đó, doanh nghiệp cho rằng những kiến nghị của người dân là không có cơ sở, chỉ là cảm tính.
Cuối năm 2009, học sinh và giáo viên trường THCS Quán Toan (Hồng Bàng) liên tiếp bị choáng, ngất phải nhập viện, nghi do nhiễm độc khí thải từ các nhà máy sản xuất thép trong khu vực. Khi cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với hoạt động sản xuất tại cụm công nghiệp Vật Cách-Quán Toan, số liệu quan trắc là vấn đề khiến cả doanh nghiệp và cộng đồng dân cư băn khoăn. Hầu hết doanh nghiệp tại khu vực này đều thực hiện việc quan trắc môi trường định kỳ. Theo đó, phần lớn thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Song tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra. Kết quả đo đạc, quan trắc môi trường chung quanh Trường THCS Quán Toan, khu vực gần các nhà máy thép này cho thấy có các khí thải SO2, CO và ni-tơ. Thực tế này khiến dư luận băn khoăn về tính sát thực của các số liệu quan trắc.
Công ty TNHH Tân Thành Phúc cải tạo, nâng cao ống khói giảm bớt xả thải ra khu dân cư, sau khi có kiến nghị của người dân. |
“Làm đẹp” số liệu quan trắc
Kiểm tra doanh nghiệp Tân Thành Phúc, Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Kiến An phát hiện điều kiện sản xuất của doanh nghiệp không đạt yêu cầu, như ống khói thấp, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu khí thải, mùi hôi ra môi trường chung quanh, những kiến nghị của người dân có cơ sở. Vụ việc các nhà máy thép khu vực Quán Toan, năm 2009, qua 2 đợt kiểm tra đột xuất của Sở Tài nguyên-Môi trường, kết quả cho thấy, lò luyện phôi nhập phế liệu không được sàng lọc, lẫn nhiều tạp chất, trong đó có chất thải nguy hại. Thêm vào đó, doanh nghiệp sử dụng dầu tái chế để đốt lò, hệ thống lọc khói không tốt, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Điều này cho thấy hạn chế trong việc kiểm soát hoạt động quan trắc môi trường hiện nay.
Thực tế trên phản ánh, với không ít doanh nghiệp việc làm báo cáo quan trắc môi trường chỉ để “đối phó” với ngành chức năng. Hiện có tình trạng doanh nghiệp thoả thuận với đơn vị quan trắc để có kết quả “đẹp”. Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp làm quan trắc môi trường là hợp đồng kinh tế. Căn cứ pháp lý để kiểm chứng, đánh giá kết quả quan trắc của doanh nghiệp chưa thuyết phục. Trong khi đó, kết quả quan trắc phụ thuộc thời điểm lấy mẫu, khu vực lấy mẫu kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm. Chỉ khi xảy ra sự cố môi trường những vấn đề thiếu chính xác của số liệu quan trắc mới được đề cập.
Quan trắc môi trường định kỳ là giải pháp kiểm soát môi trường hiệu quả. Qua quan trắc giúp doanh nghiệp sớm nhận biết những kết quả, thông số môi trường vượt ngưỡng cho phép để từ đấy có biện pháp khắc phục và giảm thiểu phù hợp. Song với cách thực hiện không đến nơi đến chốn, báo cáo quan trắc môi trường lại có tác dụng ngược. Để “công cụ” này phát huy hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động quan trắc môi trường.
Nguyên Mai
Theo baohaiphong