Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11888285
Trực tuyến: 19

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 7133
Gửi lúc 10:33' 19/10/2013
Khó khăn về nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường

Sáng nay (6/12), tại 3 đầu cầu Hà Nội (đặt tại ĐH Bách khoa-điểm trung tâm), Đà Nẵng (dành cho địa bàn miền Trung-đặt tại ĐH Đà Nẵng) và TP.Hồ Chí Minh (dành cho khu vực phía Nam), Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức hội nghị quốc gia về Đào tạo theo nhu cầu ngành TN&MT. Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên đã chủ trì hội nghị.

Đến dự còn có đại diện các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Giao thông vận tải…Bà Setsuko Yamazat-đại diện UNDP tại Việt Nam. Đại diện các trường ĐH, CĐ đào tạo chuyên ngành…

Ngành quản lý đặc biệt quan trọng và nhạy cảm nhưng…

Phát biểu khai mạc hội nghị (tại điểm trung tâm Hà Nội), Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thẳng thắn nhìn nhận:

Ngành TN&MT là một ngành đa lĩnh vực, mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, hiện nay đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 7 lĩnh vực, bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.

Đây là những lĩnh vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, sự phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước; gắn liền với công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ.

Trong thư gửi hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh:

Ngành Tài nguyên và Môi trường là một ngành đa lĩnh vực, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, của các tổ chức, doanh nghiệp và gắn liền với công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững của đất nước.

Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo Bộ Nội vụ cùng với các Bộ, ngành khác có liên quan đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo và phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành từ Trung ương đến cơ sở rất lớn - có khoảng 45.600 người; chưa kể đến lực lượng lao động ngoài ngành có liên quan đang làm việc trong các khu vực của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đội ngũ này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế do sự bất cập về số lượng, chất lượng cũng như cơ cấu ngành nghề, trong đó đặc biệt là ở các cấp địa phương. Trong khi đó công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nhân lực ngành tài nguyên và môi trường còn nhiều hạn chế và bất cập.

Mất cân đối lớn về cơ cấu chuyên môn-nghiệp vụ ngành

Phân tích rõ hơn thực trạng này, Vụ trưởng Phạm Đình Nguyên cho biết thêm:

Cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn đang có sự mất cân đối: riêng quản lý đất đai chiếm 52,2% trên tổng số nhân lực, trong khi nguồn nhân lực tài nguyên nước và khí tượng thủy văn chiếm 1%, địa chất khoáng sản chiếm 1,8% nguồn nhân lực, nguồn nhân lực được đào tạo ở các chuyên ngành khác chiếm tới 30,8%.

Nhìn chung, đội ngũ công chức, viên chức của ngành tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các lĩnh vực quản lý đều thiếu công chức, viên chức.

Tình trạng quá tải trong công việc khiến cho các cán bộ quản lý nhiều khi sa vào giải quyết các công việc sự vụ, chưa dành nhiều thời gian cho các hoạt động mang tính chiến lược cũng như các hoạt động nghiên cứu thực tiễn. Việc thiếu các kỹ năng quản lý cơ bản trong các nhà quản lý, đặc biệt trong bối cảnh Bộ TN&MT mới được thành lập là điều dễ nhận thấy. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng của các quyết định mà nhà quản lý đưa ra. Khảo sát sâu xuống tuyến cán bộ tỉnh,thành-quận huyện và phưỡng xã cũng cho thấy tỷ lệ mất cân đối rất rõ. Hiện nay, cán bộ quản lý đang tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, trong khi đó cán bộ về MT, địa chất khoáng sản, TN nước, quản lý biển, hải đảo, biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn còn rất thiếu.

Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức địa phương không đồng đều, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.

Điều này có nguyên nhân do đội ngũ cán bộ ngành TN&MT ở địa phương hình thành chủ yếu trên cơ sở đội ngũ cán bộ ngành địa chính trước đây. Khối lượng nhiệm vụ hiện nay tại địa phương chủ yếu vẫn tập trung giải quyết các vấn đề về quản lý đất đai; tuy nhiên, các vấn đề khác, nhất là về quản lý môi trường, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, biển, hải đảo (đối với các địa phương có biển) ngày càng trở lên cấp thiết và cần bố trí một cơ cấu nhân lực phù hợp. Trong khi đó, chuyên ngành đào tạo của công chức, viên chức chủ yếu là quản lý đất đai, địa chính, nông nghiệp, kinh tế. Đối với các chuyên ngành môi trường, địa chất số lượng cán bộ còn chiếm tỷ lệ nhỏ hơn.

Sự mất cân đối về số lượng, chuyên ngành đào tạo làm ảnh hưởng đến việc thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương. Ngoài ra, còn có sự mất cân đối về trình độ đào tạo của cán bộ ngành tài nguyên và môi trường giữa các vùng, miền; trong đó, vùng đồng bằng, đô thị có tỷ lệ cán bộ được đào tạo đại học và sau đại học lớn hơn nhiều so với vùng miền núi, nông thôn, vùng khó khăn, đặc biệt là các vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Sản phẩm từ nhà trường: Vừa thừa, vừa thiếu

Sản phẩm đào tạo chủ yếu là các sinh viên tốt nghiệp có tay nghề thực hành là chính, nhưng khả năng nghiên cứu hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công tác điều tra cơ bản, triển khai ứng dụng công nghệ, tổ chức quản lý, dự báo và xây dựng chính sách, thực hiện chủ trương kinh tế hóa TN&MT.

Ngay trong lĩnh vực đào tạo cũng có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực như đất đai, môi trường thì đào tạo nhiều hơn nhu cầu, trong khi đó các lĩnh vực còn thiếu hụt hoặc chưa có chuyên ngành đào tạo như: khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, định giá và kinh tế hóa trong quản lý TN….

Học đã gian nan, thực tập còn gian nan hơn

Trăn trở của vị đại diện ĐH Nông lâm Huế chắc chắn cũng là trăn trở chung:

Hầu hết cơ quan, công ty và doanh nghiệp ở miền Trung và Tây Nguyên đều không có những qui định cụ thể về việc tiếp nhận sinh viên đến thu thập số liệu và thực tập tốt nghiệp. Ví dụ, hàng năm phải dành bao nhiêu chỗ cho sinh viên thực tập, các chính sách về hướng dẫn thực tập, chính sách cung cấp số liệu ngành và chính sách phụ cấp làm việc cho sinh viên mặc dù nguồn nhân lực đào tạo chủ yếu sau khi ra trường lại phục vụ cho các cơ quan và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực TN&MT của chính họ.

Đa phần sinh viên được nhận thực tập hiện nay là qua các mối quan hệ cá nhân và trong thực tập có thể được cơ quan đến thực tập giao thêm một số việc nhưng ít và không được giúp đỡ sinh viên về mặc vật chất. Do vậy, trong thời gian tới Nhà nước phải ban hành các qui định cụ thể về vấn đề này vì đó chính là trách nhiệm xã hội trong đào tạo của người đứng đầu các cơ quan và cả cơ quan.

Tuy nhiên, theo đại diện một trường ĐH, vấn đề rất bức thiết hiện nay đó là tiếp cận nguồn thông tin chính xác và cập nhật về lĩnh vực TN&MT. Trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng như cán bộ giảng viên của Trường cần rất nhiều thông tin liên quan đến các hoạt động TN và ở các địa phương để dựa trên đó viết các tiểu luận và báo cáo khoa học, song để tìm kiếm thông tin và nhận được các thông tin về tình hình hoạt động là một vấn đề khó khăn ở các cơ quan chuyên môn hiện nay. Chính điều này cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức thực tế của sinh viên. Trong vấn đề này, Nhà nước cần có các qui định cụ thể về công khai hóa thông tin từ các cơ quan phục vụ cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Cũng cần phải nhìn nhận một thực trạng, đó là cho đến nay, khung chương trình đào tạo vẫn chưa được xây dựng theo hướng thống nhất đó là hoàn thiện chuẩn quy trình đầu ra về kiến thức, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức cơ bản vào thực tiễn, bảo đảm kỹ năng, phẩm chất và thái độ phục vụ ngành. Muốn làm được diều này, nhà đào tạo và người sử dụng phải liên thông phản hồi ý kiến của nhau. Như vậy mới mong cải tiến được chất lượng đào tạo. Trong thư gửi hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận: Các doanh nghiệp, các cơ quan sử dụng lao động chưa có sự phối hợp để xác định chất lượng nhân lực, quy mô nhân lực của mình cần, để từ đó đặt hàng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường nghề đào tạo đúng yêu cầu của mình.

Còn nhớ có lần giới truyền thông hỏi ông Bùi Văn Đức-Giám đốc TT dự báo KTTV TƯ:

Sau một loạt các sự cố trong công tác dự báo thiên tai năm ngoái (2008), năm nay (2009, ngành khí tượng thủy văn sẽ làm gì để không lặp lại những bài học cũ, thưa ông?

Ông Đức tâm sự:

So với các nước tiên tiến trong khu vực, phần thiết bị của chúng ta còn kém xa. Các nước đã sử dụng phổ biến hệ thống quan trắc và truyền tin tự động, trong khi mình còn rất hiếm.

Dù sao, với trang thiết bị hiện có, chúng tôi vẫn kiên quyết không để xảy ra sai sót trong công tác dự báo thiên tai vì những lý do chủ quan. Nếu cá nhân nào để xảy ra sai sót do thiếu trách nhiệm, do chủ quan sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc. Chúng tôi đã và đang chú tâm vào công tác tổ chức cán bộ, khắc phục những sơ suất mang tính chủ quan.

Năm nay, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đặc biệt vừa rồi đã mời 2 chuyên gia của Đài Loan và Mỹ sang trực tiếp giảng dạy, tổ chức đưa cán bộ sang các nước học tập rút kinh nghiệm... Chúng tôi sẽ cố hết sức để dự báo chính xác, hy vọng công tác dự báo sẽ tốt hơn năm trước.

Hiện nay, con người để phục vụ cho ngành khí tượng thủy văn cực kỳ khó khăn vì phụ thuộc vào các trường đào tạo ra. Có thể nói, chúng ta đang thiếu cả lượng lẫn chất.

Việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ cũng còn hạn chế, từ năm 1991 đến hết năm 2007, hầu như không có nguồn nhân lực bổ sung. Cho đến mùa bão lũ năm 2008 và đến giữa năm 2009, chúng tôi mới tuyển được hơn 60 kỹ sư cho cả hệ thống. Riêng lực lượng quan trắc viên thì nhiều hơn, khoảng hơn 100 người.

Phương tiện hiện đại cũng cần con người đủ khả năng khai thác nó

Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, không gian sư phạm của đa số các cơ sở đào tạo nói chung và các cơ sở đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường nói riêng còn rất hạn chế và thấp thua xa so với các cơ sở đào tạo của các nước trong khu vực.

Đa số thí sinh dự thi vào các ngành, chuyên ngành về TN & MT quá ít và có trình độ kém so với các ngành khác, đặc biệt các ngành thuộc khối khoa học trái đất - địa chất, địa lý, khí tượng thủy văn, hải dương học, đo đạc và bản đồ; rất ít sinh viên sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành về tài nguyên và môi trường về công tác tại địa phương đặc biệt là các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do đến nay vẫn chưa có quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo về các chuyên ngành trong lĩnh vực TN & MT; việc đầu tư về cơ sở vật chất, đổi mới, tăng cường giáo trình, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ giảng dạy cho các cơ sở đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực TN&MT còn manh mún, dàn trải; mối liên kết, liên thông giữa các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực ở trong nước và với nước ngoài còn mang tính tự phát, chưa có chủ trương nhất quán; chính sách thu hút học sinh, sinh viên tham gia học tập ở các chuyên ngành về tài nguyên và môi trường chưa được xây dựng và ban hành.

Công việc mỗi ngày ở một trạm quan trắc thủy văn.

Chia sẻ kinh nghiệm cùng Việt Nam, bà Setsuko Yamazat bày tỏ:

Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường về sự lựa chọn phát triển theo xu hướng Tăng trưởng Xanh-Kinh tế Xanh, hay là các hướng khác?. Điều này xem ra rất quan trọng đối với các bạn, bởi nếu các bạn quyết liệt với lựa chọn của mình, đó là thiên hướng về sự phát triển bền vững, một nền kinh tế năng động nhưng ít carbon, thì sẽ có rất nhiều việc mà các bạn phải làm.

Trong đó, vấn đề nguồn nhân lực phải được đặt ở tầm chiến lược. Bởi nguồn nhân lực của nền kinh tế tỏ ra có thể thích nghi được với các trạng thái tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, phải là những những con người luôn ý thức đến năng lượng sạch. Mà muốn vậy, họ phải là những người được đào tạo bài bản, rất giàu kỹ năng thực hành.

Đặt vấn đề nguồn nhân lực ở tầm chiến lược còn đòi hỏi các bạn phải gắn kết hữu cơ chiến lược về nguồn lực này trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Bộ Tài nguyên-Môi trường sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong hoạch định các chiến lược phát triển chuyên ngành, đặc biệt là bảo vệ tài nguyên-môi trường và hệ sinh thái quốc gia. Chính Phủ Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch tổng thể có sự theo dõi và giám sát thường xuyên về mối quan hệ giữa Bộ Tài nguyên-Môi trường với các Bộ, ngành khác, để đảm bảo rằng chúng ta đang thống nhất chung một mục tiêu hành động cho Tăng trưởng Xanh, một nền kinh tế đem đến sự bền vững lâu dài cho các thế hệ mai sau.

Và tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa, để những điều vừa nêu ở trên có khả năng thực thi cao, việc lồng ghép các chiến lược hết sức quan trọng. Đặc biệt là chiến lược về nguồn lực và quan trọng hơn bất cứ ngành, lĩnh vực nào, nội dung về nguồn nhân lực phải được các bạn chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Trần Ngọc thực hiện

Nguồn tin: http://ictdanang.vn/

Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website