Từ ngàn đời nay, vùng đất Tây Nguyên nổi tiếng với những cánh rừng đại ngàn, hùng vĩ. Nhưng nhiều năm trở lại đây, tình trạng phá rừng ở khu vực này diễn ra ở mức độ cao, chất lượng rừng cũng suy giảm rõ rệt. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NÐ-CP của Chính phủ được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng, tiếp sức cho công tác bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên, đồng thời nâng cao sinh kế, cải thiện thu nhập cho người làm nghề rừng. Tuy nhiên, sau gần ba năm Nghị định ra đời, việc thực thi chính sách ở khu vực này vẫn còn nhiều vướng mắc, cần được chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
Có tiền mà không tiêu được
Chạy xe từ thành phố Plây Cu, tỉnh Gia Lai đến Ban quản lý rừng phòng hộ (RPH) Ia Ly, suốt chặng đường đi là mầu xanh của núi, của rừng. RPH Ia Ly hiện có 11.718 ha, diện tích giao khoán bảo vệ rừng vào khoảng hơn một nghìn ha với hơn 60 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Mức giao khoán hiện nay là không quá 30 ha/hộ, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho bảo vệ rừng là 200 nghìn đồng/ha/năm. Như vậy với hộ gia đình có mức khoán cao nhất thì mỗi năm thu nhập từ nghề rừng cũng chỉ đạt sáu triệu đồng. Trưởng ban quản lý Tưởng Phúc cho chúng tôi biết: Với mức thu nhập như thế người dân chắc chắn không thể sống được bằng nghề rừng. Chính vì vậy khi chính sách chi trả DVMTR ra đời, chúng tôi mừng lắm. Theo tính toán, trong năm 2013, số tiền thu được từ DVMTR của RPH Ia Ly là 3,8 tỷ đồng, dự kiến mức chi trả sẽ vào khoảng gần 300 nghìn đồng/ha/năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa thực hiện chi trả được tới các hộ gia đình mặc dù quỹ hiện có 1,8 tỷ đồng từ tạm ứng năm 2012.
Chúng tôi gặp anh Siu Kok ở làng Yok 1, xã Yaka, huyện Chư Pả. Anh nhận giao khoán 30 ha rừng từ năm 1998 đến nay với mức hỗ trợ là 200 nghìn đồng/ha. Hàng năm anh còn cùng Ban quản lý RPH tham gia vào công tác phòng chống cháy rừng mùa khô. Tôi hỏi: Với mức thu nhập sáu triệu đồng/năm cho công tác bảo vệ và quản lý 30 ha rừng, liệu gia đình anh có đủ sống không? Anh rụt rè trả lời bằng tiếng Kinh không rõ lắm: Không đủ sống đâu, nhưng mình hên hơn vì còn được thêm tiền hàng tháng nhờ tham gia giúp Ban quản lý bảo vệ rừng vào mùa khô. Trong khi đó, anh Rơ Chăm Pim (làng Dút 2, xã YaKreng) thẳng thắn: Sáu triệu đồng đủ sống sao được cán bộ ơi, nhà mình phải trồng mì thì mới có tiền cho hai con đi học chứ. Trồng mì được 30 triệu đồng/năm cơ đấy cán bộ ạ. Cả anh Siu Kok và anh Rơ Chăm Pim đều cho biết có nghe nói về chính sách chi trả DVMTR và mong muốn sớm có tiền về với từng hộ gia đình để có điều kiện bảo vệ rừng tốt hơn nữa.
Thực tế giải ngân chậm tại các đơn vị chủ rừng là tổ chức không chỉ diễn ra ở Gia Lai mà tỉnh Kon Tum cũng rơi vào tình trạng này. Năm 2013, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy đã nhận số tiền tạm ứng DVMTR là hơn 4,1 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện chi trả được cho bất kỳ một hộ nhận giao khoán nào. Hơn thế, mặc dù chính sách chi trả DVMTR được coi là "cứu cánh" cho các doanh nghiệp lâm nghiệp trong thời điểm khó khăn về kinh phí hoạt động hiện nay, nhưng Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Rẫy hiện cũng chưa biết cách sử dụng nguồn tiền từ DVMTR vào việc gì cho hợp lý và đúng quy định. Hệ quả của sự lúng túng này là tính đến hết ngày 15-5-2013, tổng số tiền tạm ứng cho các đơn vị chủ rừng là tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum là hơn 34 tỷ đồng nhưng số tiền được sử dụng mới chỉ đạt con số khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm sáng ở Kon Tum trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR chính là việc chi trả cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản. Tổng diện tích cung ứng DVMTR của các đơn vị này là hơn 17 nghìn ha rừng, đơn giá tạm ứng 150 nghìn đồng/ ha/năm, tương ứng số tiền tạm ứng DVMTR (lần 1) năm 2012 đã giải ngân đạt gần 2,6 tỷ đồng. Hiện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đang đề nghị UBND tỉnh cho chi tạm ứng năm 2012 (lần 2) số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Trong đó, huyện Tu Mơ Rông có diện tích rừng cung ứng lớn nhất, đạt 7.562 ha. Trong đợt chi trả tạm ứng lần 1, anh Danh (thôn Long Leo, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông) nhận được số tiền hơn 3,3 triệu đồng. Liên hệ với anh được biết, số tiền này gia đình dành vào việc bảo vệ, phát triển rừng. Ngoài ra, còn tiết kiệm một phần để cải thiện cuộc sống, lo cho con cái học hành thêm. Anh cũng bày tỏ, với chính sách chi trả này, hầu hết các hộ dân đều phấn chấn hơn và có trách nhiệm hơn với công tác bảo vệ rừng.
Khác với cách làm của Gia Lai, Kon Tum, trong quá trình thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tỉnh Ðác Lắc lấy tổng số tiền có trong quỹ chia cho diện tích rừng cung ứng, tính ra đơn giá cho một ha, từ đó chi trả tạm ứng cho các đơn vị. Hiện nay, với tổng quỹ hơn 35 tỷ đồng, năm 2013, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã giải ngân xuống các đơn vị chủ rừng được hơn 22 tỷ đồng với đơn giá chi trả 150 nghìn đồng/ha. Tuy nhiên, cũng giống Gia Lai và Kon Tum, tỷ lệ giải ngân của các đơn vị chủ rừng là tổ chức vẫn ở mức hạn chế, nhất là công tác chi trả tiền cho các hộ dân nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Ðể chính sách sớm đi vào cuộc sống
Với các tỉnh miền núi Tây Bắc, khó khăn của việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR chủ yếu nằm ở khâu rà soát, xác định ranh giới diện tích rừng đến từng chủ rừng. Còn tại Tây Nguyên, sự lúng túng lại phát sinh liên quan tới việc chưa hoàn toàn hiểu rõ các quy định, hướng dẫn về cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR và chậm phê duyệt kế hoạch thu - chi. Nguyên nhân là do đơn vị chủ rừng hầu hết là các tổ chức như Ban quản lý RPH, Vườn quốc gia, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp... Những đơn vị này từ trước tới nay hoạt động dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước với các chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng. Chính vì vậy, các khoản chi cho cán bộ và các hộ giao khoán trong năm 2011, năm 2012 đều đã thực hiện trong khoản kinh phí ngân sách Nhà nước cấp. Khi có thêm khoản tiền từ DVMTR thì tất cả các đơn vị đều lúng túng trong việc lập kế hoạch thu - chi. Kết quả là tiền dịch vụ đã nhận về nhưng các chủ rừng lại không giải ngân được. Tình trạng này đang diễn ra ở cả ba tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum và Ðác Lắc. Trước thực trạng này, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam Phạm Hồng Lượng cho rằng: Các chủ rừng là tổ chức hiện chưa hiểu rõ cơ chế quản lý sử dụng nguồn tiền từ chính sách chi trả DVMTR. Bởi lẽ, mức trả 200 nghìn đồng/ha/năm theo các dự án từ ngân sách Nhà nước hiện nay là mức hỗ trợ. Còn chính sách chi trả DVMTR là thể hiện mối quan hệ kinh tế, đơn vị nhận dịch vụ cung ứng phải trả tiền cho đơn vị cung ứng. Do đó, nguồn tiền DVMTR là nguồn bổ sung cho các hoạt động phục vụ quản lý, bảo vệ rừng nhằm cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ chứ không thay thế nguồn ngân sách Nhà nước. Ðây là cơ sở để các chủ rừng là tổ chức chủ động lập kế hoạch và thực hiện chi trả tiền cho các hộ gia đình nhận giao khoán đồng thời có kế hoạch chi quản lý, bảo vệ rừng cho đơn vị mình. Ông Lượng nhấn mạnh: Việc nắm rõ cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả và khẩn trương lập và trình phê duyệt kế hoạch thu chi hợp lý để đẩy mạnh tốc độ giải ngân tới các đối tượng được thụ hưởng chính sách là việc làm vô cùng quan trọng. Bởi nếu không giải ngân được, các đơn vị sử dụng dịch vụ sẽ có cớ trì hoãn, thoái thác không tiếp tục trả tiền dịch vụ. Như thế nguy cơ tác động xấu tới quá trình triển khai chính sách là điều rất dễ xảy ra. Vì vậy yêu cầu đặt ra hiện nay là cần sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền các địa phương trong công tác triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Trách nhiệm đó không chỉ thuộc về đơn vị hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực này là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng địa phương mà còn là trách nhiệm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Không chỉ vướng trong giải ngân, hiện một số tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Ðác Lắc còn gặp khó khăn trong vấn đề thu tiền DVMTR đối với các cơ sở thủy điện nội tỉnh. Tại Gia Lai, năm 2011, 2012, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh mới thu được tiền dịch vụ từ ba nhà máy thủy điện (chiếm 46%), các nhà máy thủy điện còn lại (không thuộc EVN) vẫn chưa thu được (chiếm tới 54%). Năm 2013, quỹ tỉnh cũng mới thu được tiền từ 14/19 cơ sở thủy điện. Các địa phương đề nghị Bộ, ngành T.Ư có hướng chỉ đạo, giải quyết cụ thể việc các cơ sở thủy điện chậm chi trả tiền DVMTR. Ðồng thời có hướng dẫn về trách nhiệm chi trả thuộc về ai trong trường hợp các cơ sở thủy điện bán điện cho điện lực miền trung theo giá thỏa thuận? Theo Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Ðác Lắc Kiều Thanh Hà thì cần nâng mức xử phạt đối với các nhà máy thủy điện nộp chậm, cụ thể là xử phạt theo lãi suất vay cơ bản tại thời điểm ngân hàng Nhà nước công bố. Có như thế mới "thúc" các nhà máy thủy điện chấp hành nghiêm túc chính sách chi trả DVMTR. Ngoài ra, trong quá trình thực thi chính sách còn xuất hiện thực trạng chênh lệch tiền chi trả cho các chủ rừng giữa các lưu vực tương đối lớn. Ðể giải quyết vấn đề này, Kon Tum và Ðác Lắc đang thực hiện cơ chế chi trả bình quân cho các chủ rừng. Còn Gia Lai có cách làm khác là đối với lưu vực có mức chi trả dưới 200 nghìn đồng/ha/năm, UBND tỉnh cho phép sử dụng nguồn quỹ dự phòng của quỹ tỉnh để hỗ trợ cho hộ nhận khoán đạt mức 200 nghìn đồng/ha/năm. Tuy nhiên với cách này, về lâu dài có một điểm khó là làm sao để bảo đảm nguồn kinh phí bổ sung nếu mở rộng diện tích khoán tại những lưu vực có mức chi trả thấp? Theo Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam Phạm Hồng Lượng thì: Giải quyết theo cách chi trả bình quân cho các chủ rừng trong các lưu vực sông chính hay sử dụng nguồn quỹ dự phòng chi trả bổ sung bảo đảm không thấp hơn 200 nghìn đồng/ha đều là những cách làm sáng tạo và phù hợp trong từng điều kiện, từng hoàn cảnh đối với mỗi địa phương. Nhưng về lâu dài, cũng cần phải đặt vấn đề đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ chính sách chi trả DVMTR được vận hành theo cơ chế thị trường giữa các đơn vị khai thác thủy điện, nước sinh hoạt, kinh doanh du lịch với các chủ rừng, người trồng và chăm sóc bảo vệ rừng. Tổ chức, cá nhân nào cung ứng nhiều dịch vụ sẽ được nhận chi trả nhiều và ngược lại. Có như thế chính sách mới lâu dài và bền vững được.
Có thể nói, chi trả DVMTR là một chính sách vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Ðây chính là "lối thoát" trong việc huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cho các chủ rừng là tổ chức. Còn đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân thì số tiền chi trả chính là động lực để họ cải thiện cuộc sống, từ đó nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng. Bởi với mức hỗ trợ bảo vệ rừng từ ngân sách Nhà nước hiện nay là 200 nghìn đồng/ha/năm còn thấp, không tạo ra động lực, điều kiện thuận lợi cho các hộ dân phát huy khả năng bảo vệ rừng. Chính vì ý nghĩa to lớn đó mà yêu cầu đặt ra đối với các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là sớm phê duyệt kế hoạch thu - chi, đẩy mạnh việc tuyên truyền triển khai thực thi chính sách, nhất là việc cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành T.Ư cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm giải ngân đầy đủ, kịp thời tiền DVMTR đến từng chủ rừng, các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng. Vẫn biết còn một số vướng mắc cả từ chủ quan và khách quan, nhưng nếu được sự đồng thuận và chỉ đạo triển khai quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, xã thì chắc chắc chính sách sẽ sớm phát huy hiệu quả trong thời gian tới.