Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11361736
Trực tuyến: 27

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 45310
Gửi lúc 08:42' 16/03/2015
Cấp tập trồng mắc ca: "Hô hào trồng chỉ là doanh nghiệp"

Với cây mắc ca, chủ trương chung của Bộ là sau khi có kết quả về mặt khoa học, khảo nghiệm thực tiễn mới xác định quy mô, vùng trồng cụ thể.

Ông Phạm Đồng Quảng, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã cho Đất Việt biết như vậy trước việc các tổ chức, doanh nghiệp thời gian qua quảng bá rầm rộ về cây mắc ca.

Bộ Nông nghiệp đang nghiên cứu

Theo ông Quảng, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Cục Lâm nghiệp quản lý nhà nước về cây mắc ca. Thực tế Chính phủ chưa giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển cây này mà mới có chỉ đạo làm thí điểm.

"Chính vì vậy chủ trương chung của Bộ là sau khi có kết quả về mặt khoa học, khảo nghiệm thì mới xác định quy mô sản xuất và vùng trồng cụ thể", ông Quảng cho biết.

Ông Quảng nói thêm: "Hiện Bộ cũng chưa có chương trình phát triển cây mắc ca mà đang ở giai đoạn tiếp tục khảo nghiệm tổng kết thực tiễn. Lãnh đạo Bộ đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch, tổng kết kết quả khảo nghiệm tại các nơi để có thông tin chính thức".

Theo ông Quảng trên thực tế về mặt khoa học cây mắc ca cũng chưa rõ ràng. Từ việc lựa chọn giống cũng như vùng trồng là chưa rõ nên cần tiếp tục đánh giá thêm.

"Hiện việc tổ chức hội thảo, đưa thông tin rầm rộ về cây này là do các doanh nghiệp và một số tổ chức thực hiện chứ không phải Bộ NN&PTNT. Việc các doanh nghiệp vào cuộc hô hào phát triển cây mắc ca thì đó là việc của doanh nghiệp", ông Quảng nhấn mạnh.

Trong khi đó mới đây Công ty cổ phần Him Lam cho biết sẽ xin 1.000ha đất tại mỗi tỉnh Tây Nguyên để ươm giống và cung cấp giống theo tiêu chuẩn quốc tế cho nông dân.

Dự kiến, trong năm 2015, công ty này cũng sẽ khởi công và hoàn thành việc xây dựng nhà máy chế biến mắc ca và thành lập Hiệp hội mắc ca Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nói rằng: "Nhà máy chế biến mắc ca sẽ đưa người nông dân thành công nhân, cho phép họ làm giàu trên chính mảnh đất của mình", ông Hưởng nói.

Cùng với đó, quy trình cho vay tín chấp dành cho các hộ nông dân trồng mắc ca cũng được LienVietPostBank xây dựng, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2015.

Hiện việc phát triển giống cây mắc ca được rất nhiều doanh nghiệp tham gia
Hiện việc phát triển giống cây mắc ca được rất nhiều doanh nghiệp tham gia và kiếm lợi nhuận cao

Chuyên gia lo ngại

TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp cho rằng: dù gì thì cũng cần nghiên cứu kỹ hơn để tránh những bài học như cây ca cao trước đây.

"Thời gian qua tôi cũng thấy nhiều ý kiến phát biểu nhưng đó không phải là những nhà nông nghiệp mà chủ yếu là các nhà đầu tư. Việc đầu tiên chúng ta cần phải xem xét quỹ đất, Tây Nguyên sẽ trồng vào đâu. Sẽ xen với cafe, thay thế cafe hay tính toán quỹ đất ra sao?

Ở Tây Nguyên hiện những vùng đất tốt nhất đã dùng để trồng cafe gần hết. Thời điểm chúng ta đưa cây cacao vào cũng chỉ còn những đất bạc màu nên năng suất thấp và đã thất bại. Hơn nữa với cây mắc ca cũng chưa rõ ràng sẽ trồng ở đâu", TS Thế Anh nói.

Trên thực tế trồng mắc ca sẽ rất lâu để được thu hoạch. Có nhanh cũng phải 7-8 năm.

Theo đó, TS Anh cho rằng: nếu là các nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư đất, giống để trồng thì không nói làm gì. Nhưng nếu là nông dân đi vay vốn thì phải trồng xen để lấy ngắn nuôi dài. Phải nghiên cứu các mô hình để có thể xen canh được, kể cả ngân hàng cho vay tiền cũng cần phải thiết kế mô hình chứ không phải làm bằng mọi giá vì hiện nay chưa rõ ràng.

Về kinh tế, cây mắc ca cũng phải xem thị trường thế giới nói là nhu cầu nhiều nhưng như cây ca cao trước đây một công ty của Mỹ khi đưa giống vào Việt Nam đã phổ biến giá rất cao. Nhưng chỉ mấy năm sau giá ca cao xuống thấp hẳn và người trồng gặp rất nhiều khó khăn.

Như vậy với cây mắc ca chúng ta cũng chưa có nghiên cứu nào cụ thể xem mắc ca nhu cầu sử dụng thực như thế nào.

"Rút kinh nghiệm từ cây ca cao khi phổ biến cho nông dân trồng đã không nghiên cứu đầy đủ nên khi làm ra sản phẩm bán không có giá trị. Do đó phải có nghiên cứu đầy đủ về cây mắc ca trước khi có những thông tin quảng cáo rầm rộ. Thường thì các công ty bán giống thông thường sẽ đưa ra nhu cầu thị trường thế giới rất cao.

Chính vì thế để ra quyết định sản xuất chúng ta cần phải nghe nhiều kênh thông tin khác nhau và phải có những nghiên cứu cụ thể hơn từ nhiều nguồn", TS Trần Thế Anh phân tích.

Nhìn ở góc độ của một người trực tiếp nghiên cứu về cây mắc ca, TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Thực tế điều kiện sinh thái của cây mắc ca yêu cầu rất ngặt nghèo, ưa khí hậu mát lạnh và đặc biệt trong thời gian ra hoa đậu quả đòi hỏi một nhiệt độ ổn định và thấp (khoảng 18-25 độ C), phải kéo dài trong vài tháng. Chính vì thế ngay cả Tây Nguyên cũng ít vùng thực sự phù hợp cho cây mắc ca.

Cho nên tôi cho rằng vùng trồng cũng rất quan trọng, phải quy hoạch đúng với vùng phù hợp điều kiện sinh thái, có vùng trồng thích hợp. Còn nếu để dân trồng ồ ạt tôi tin chắc rằng trong thời gian tới sẽ có một số vùng thất bại", TS Vinh lo ngại.

TS Vinh cũng cho rằng, với cây mắc ca còn phải nghiên cứu thêm nhiều vì thực tế đến nay vẫn chưa có một bộ giống chuẩn cho vùng Tây Nguyên. Hiện mới chỉ có vài mô hình nhỏ trong khi Tây Nguyên thì rộng lớn, vì thế phải trồng khảo nghiệm rộng khắp để có một bộ giống chuẩn.

"Muốn vậy nhà nước phải đầu tư một đề tài nghiên cứu lớn trước khi cho trồng mở rộng. Bởi trồng thì dễ nhưng để đạt được năng suất thì không phải chuyện đơn giản", TS Vinh e ngại.

Trước nhiều thông tin về giá trị kinh tế của cây mắc ca được các tổ chức, doanh nghiệp đưa ra và đặt cái tên "cây tỉ đô", GS Đinh Xuân Bá, một nhà toán học đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu và thu thập các số liệu cơ sở của quốc tế và chứng minh có một sự hoang tưởng về các dữ liệu với loại cây này.

Theo đó ông đã tính toán để xem nếu trồng 100.000 ha mắc ca thì sau 10 năm có thu nhập trung bình trong 1 năm là bao nhiêu USD.

GS Bá dẫn các số liệu tin cậy thì một ha trồng được 312 cây (mật độ trồng 8x4m), một số liệu khác thì một ha trồng được 416 cây (mật độ trồng 6x4m), theo nguồn báo Nhandan thì tại Tây Nguyên VN một ha trồng thí điểm có hơn 200 cây. Vậy tạm lấy con số trung bình là một ha có 300 cây mắc ca.

Một nguồn khác cũng đưa ra số liệu đối với một cây mắc ca, trong 4 năm đầu ta chưa thu hoạch được hạt nào. Đến năm thứ 5 thì thu hạt được 1 kg/cây, năm thứ 10 thu được 10kg/cây.

"Vậy tính cả 10 năm thì thu được trung bình mỗi năm là 3,2kg/cây, (không phải là 70kg/cây như ông Tạn và nhà báo Anh Khoa nói)", GS Bá nói thẳng.

Theo GS Bá, cá nhân ông hoàn toàn tâm đắc với việc tìm các kế sách khả thi và an toàn để đưa đồng bào Tây Nguyên thoát nghèo là một nhiệm vụ chiến lược cực kỳ quan trọng, nhưng nếu làm không nghiêm cẩn và chuyên nghiệp thì chính người dân Tây Nguyên sẽ phải gánh chịu rủi ro và khi đó thì hậu quả sẽ rất khó lường đối với một địa bàn quan trọng của đất nước.

"Vì vậy, bên cạnh các biện pháp khuyến khích trồng mắc ca thì nên chăng ngay từ bây giờ cần có các chính sách và biện pháp phòng ngừa rủi ro, ví dụ lập ra các cơ chế “bảo hiểm tương hỗ” (mutual insurance) ở đó nhà nước sẽ cùng gánh chịu rủi ro với nông dân nếu có", GS Bá gợi ý.

Bích Ngọc

Nguồn tin: http://baodatviet.vn/

Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website