Nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Ngày 18/12, Cục Kiẻm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo khoa học nhằm đóng góp ý kiến xây dựng Phương pháp luận xây dựng bộ Hệ số phát thải cho một số ngành công nghiệp chính ở Việt Nam tập trung ở các ngành xi măng, nhiệt điện và ngành sản xuất sử dụng lò hơi công nghiệp. Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng tới dự và chủ trì hội thảo.
Page Content
Tham dự hội thảo còn có GS.TS Phạm Ngọc Hồ, Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Đình Tuấn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đại diện của các Trung tâm nghiên cứu về môi trường của các Trường Đại học, Liên đoàn lao động Việt Nam, Tổng công ty xi măng, nhiệt điện, doanh nghiệp sản xuất và các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực về môi trường.
Sự ô nhiễm không khí khởi đầu bằng việc phát thải các chất ô nhiễm không khí từ các hoạt động của tự nhiên và con người. Sau đó dưới tác động của các yếu tố khí tượng, các chất ô nhiễm không khí được vận chuyển, khuyếch tán và tác động lên môi trường và con người. Trong các nguồn gây ô nhiễm không khí, không giống như các hoạt động giao thông chỉ mang tính cục bộ trong các khu đô thị, khí thải công nghiệp với đặc thù phát thải liên tục, mức độ phát tán rộng nên phạm vi ảnh hưởng tới con người và môi trường rất lớn. Vì vậy, việc xác định tải lượng phát thải các chất ô nhiễm không khí là rất quan trọng nhằm đánh giá khả năng lan truyền các thông số độc hại trong khí thải công nghiệp tới môi trường không khí. Bên cạnh đó, xác định tải lượng khí thải còn giúp cho việc kiểm kê, xác định mức độ đóng góp của các nguồn khí thải công nghiệp theo từng ngành công nghiệp và đánh giá, so sánh phát thải khí giữa nguồn công nghiệp với các nguồn khác như giao thông, dân sinh….
Tại các nước trên thế giới, việc điều tra, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu cho các nguồn khí thải từ công nghiệp nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu và thông tin về khí thải công nghiệp là hoạt động quan trọng và thường xuyên trong quản lý chất lượng không khí nói chung và kiểm soát ô nhiễm không khí nói riêng. Song, thực tế ở nước ta hiện nay vấn đề tính toán tải lượng phát thải các chất ô nhiễm không khí hầu như chưa được chú trọng đúng mức. Việt Nam vẫn chưa thống kê được tải lượng phát thải từ các hoạt động công nghiệp trong phạm vi cả nước và tại từng địa phương để làm cơ sở cho công tác quản lý môi trường.
Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó có một nguyên nhân quan trọng hàng đầu là thiếu bộ hệ số phát thải khí thải từ nguồn công nghiệp. Trong các hoạt động và dự án kiểm kê, điều tra, đánh giá nguồn thải trước đây, Việt Nam thường phải sử dụng các hệ số phát thải của Hoa Kỳ, WHO, EU….được xây dựng cho các ngành công nghiệp với trình độ sản xuất đi trước hàng nhiều năm, trang thiết bị kỹ thuật, quy mô sản xuất, trình độ quản lý, chất lượng nguồn nhân công, ý thức BVMT khác xa với Việt Nam nên việc xác định tải lượng thường chưa chính xác với điều kiện thực tiễn về sản xuất và ô nhiễm không khí tại nước ta. Vì thế nên những đánh giá này chưa có nhiều giá trị giúp ích cho công tác quản lý và xây dựng chính sách về quản lý chất lượng không khí và kiểm soát ô nhiễm không khí.
Đứng trước thực trạng đó, Lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã giao cho Cục Kiểm sóat ô nhiễm trong năm 2012-2013 phải xây dựng được bộ hệ số phá thải cho ngành công nghiệp xi măng, nhiệt điện và lò hơi công nghiệp của Việt Nam. Mục tiêu của việc xây dựng bộ Hệ số phát thải cho một số ngành công nghiệp chính này nhằm phục vụ công tác đưa ra các hệ số phát thải chuẩn cho các ngành công nghiệp chính ưu tiên và sau đó nhân rộng các ngành khác trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các hệ số phát thải này còn phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về môi trường trong các kế hoạch kiểm tra nguồn khí thải công nghiệp; xây dựng phí quy định về khí thải công nghiệp...
Tại hội thảo, các đại biểu và các chuyên gia cùng nhau trao đổi và thảo luận các phương pháp xây dựng hệ số phát thải khí công nghiệp của nước ngoài đang được áp dụng như Hoa Kỳ, WHO, EU, Canada, Hà Lan…. Có thể nói, việc xây dưng hệ số phát thải đã được các nước phát triển chú trọng từ những năm 1970 và thường xuyên được chỉnh sửa, cập nhật cho phù hợp với hiện trạng phát triển sản xuất. Các phương pháp mà các nước sử dụng để xây dựng hệ số phát thải là thực nghiệm đo đạc thực tế để xác định, sử dụng cân bằng vật chất hoặc hiệu chỉnh các hệ số phát thải đã có. Mỗi phương pháp đều có những thế mạnh về độ chính xác, sử dụng trang thiết bị, công nghệ…nhưng cũng còn những tồn tại về mức độ phù hợp cho từng nước về trình độ sản xuất, nhân lực, tài chính. Tại Việt Nam cũng đã có một số chương trình, dự án nghiên cứu như “Phương pháp xác định tải lượng ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp”, “Phương pháp xây dựng hệ số phát thải cho nguồn tĩnh tại Việt Nam”, “Xây dựng hệ số phát thải và đề xuất biện pháp quản lý các lò hơi đốt dầu tại một số KCN tại Đồng Nai”…nhưng vẫn chưa đưa ra được bộ hệ số phát thải thống nhất cho các ngành công nghiệp do hạn chế về quy mô, phạm vi nghiên cứu, phương pháp luận, kinh phí, trang thiết bị và nguồn lực cho việc nghiên cứu.
Tại hội thảo, bên cạnh phần trình bày của các chuyên gia về một số đề tài, dự án xây dựng hệ số phát thải cho một số lĩnh vực, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường đã đề xuất Phương pháp luận xây dựng bộ Hệ số phát thải cho một số ngành công nghiệp chính ở Việt Nam để xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo. Đã nhiều ý kiến đóng góp, tranh luận khác nhau của các đại biểu về mức độ chính xác, phù hợp của các phương pháp áp dụng cho Việt Nam so với quốc tế, trình độ lấy mẫu và phân tích khí thải ống khói, sử dụng phần mềm tính toán hệ số phát thải, việc xác định phát thải cho các nguồn khác nhau….
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PTCT Hoàng Dương Tùng đã có những chỉ đạo đề nghị Cục KSON tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Đại biểu tham gia Hội thảo theo hướng kế thừa tối đa những thành tựu mà thế giới và Việt Nam đã thực hiện, lưu ý đến sai số của hệ số phát thải sẽ được xác định, xác định chính xác những thông tin, số liệu cần thu thập….để làm sao xây dựng được phương pháp luận đảm bảo tính khoa học và phù hợp với thực tiễn của nước ta. Qua Hội thảo này, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường trên cơ sở tiếp thu ý kiến sẽ tiếp tục tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung và lựa chọn một phương pháp xây dựng bộ Hệ số phát thải cho một số ngành công nghiệp phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam nhằm giúp ích cho việc tính toán tải lượng phát thải ô nhiễm không khí chính xác nhất vào năm 2013./.
Nguồn: vea.gov.vn