Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11835608
Trực tuyến: 26

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 65839
Gửi lúc 14:45' 05/01/2016
Phần lớn công bố khoa học VN đứng tên chung với tác giả ngoại

Mặc dù số lượng công bố quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 2,2 lần so với 5 năm trước đó, song phần lớn các công trình đứng tên chung với các tác giả nước ngoài, chỉ số trích dẫn quốc tế và chỉ số tác động khoa học còn chưa đạt mức trung bình thế giới.


 


Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) Trần Việt Thanh đưa ra tại Hội nghị tổng kết Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển Khoa học Công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 hôm 25/12.


 


Số lượng các công bố quốc tế của tác giả Việt Nam giai đoạn 2011-2015. (Nguồn: Web of Science)


Tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015 là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm, đạt mức cao so với mục tiêu (15-20%).


Toán học, Vật lý và Hoá học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng công bố quốc tế trong 5 năm qua. Riêng Toán học có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á.


So sánh với thế giới, Việt Nam xếp thứ 59 trên thế giới (so với thứ 66 trong giai đoạn 2006-2010 và thứ 73 giai đoạn 2001 - 2005) và thứ 4 của Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 32 thế giới), Malaysia (thứ 38) và Thái Lan (thứ 43).


Theo ông Thanh, một trong các lý do quan trọng làm tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm qua xuất phát từ việc tăng quy mô và hiệu quả hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED).



Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam so với một số quốc gia. (Nguồn: Web of Science)


Trong năm 2015, số lượng công bố quốc tế từ các đề tài thuộc NAFOSTED chiếm tới 1/4 số lượng công bố quốc tế của cả nước.


Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận, phần lớn các công trình đứng tên chung với các tác giả nước ngoài, chỉ số trích dẫn quốc tế và chỉ số tác động khoa học còn chưa đạt mức trung bình thế giới.


Đăng ký sáng chế chủ yếu của nước ngoài


Trong giai đoạn 2011 - 2015, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam tăng 62% so với giai đoạn 2006 - 2010.


Mặc dù đạt được mục tiêu (tăng 1,5 lần vào năm 2015), số lượng đơn do các tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký còn rất khiêm tốn (chỉ khoảng 20% tổng số đơn đăng ký). Tuyệt đại đa số số lượng đơn trong các lĩnh vực như dược, mỹ phẩm là các chủ đơn nước ngoài.


Số đơn sáng chế bảo hộ quốc tế có nguồn gốc Việt Nam rất thấp.


“Số lượng sáng chế thấp phản ánh thực trạng năng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và năng lực công nghệ trong nước”, ông Thanh nói.


Tuy nhiên, trình tự bảo hộ phức tạp, chi phí xác lập và bảo vệ quyền, tâm lý e ngại bộc lộ tính mới của giải pháp kỹ thuật hoặc không có nhu cầu thương mại hóa sáng chế tại các thị trường quốc tế cũng là nguyên nhân dẫn tới số lượng đơn và văn bằng sáng chế của người Việt Nam không cao, ông Thanh nói thêm.


Sản phẩm CNC chủ yếu của doanh nghiệp FDI


Theo báo cáo, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào Tổng sản phẩm quốc nội giai đoạn 2011 - 2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%.


Tuy nhiên, phần lớn giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đều do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo ra, ông Thanh cho biết.


Trong khi đó, tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp đạt 10,68%/năm, đạt mục tiêu chiến lược đề ra là 10-15%/năm giai đoạn 2011 – 2015.


Tuy nhiên, trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng,… phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ.


Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng dưới 20% và chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.


Do hạn chế nguồn cung, các doanh nghiệp chủ yếu phải nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài để đổi mới công nghệ. Số liệu thống kê cho thấy, hai nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2014 là máy móc - thiết bị (22.5 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2013) và máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện (18,7 tỷ USD, tăng 5.8%).


Điều đáng nói là nguồn gốc xuất xứ của máy móc, thiết bị nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc (chiếm tới 35%). Tỷ trọng nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến về công nghệ (như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ) rất thấp (17%, 12% và 4.5%).


Theo ông Thanh, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng trên là do đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ. Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn rất thấp.


Nguyên nhân sâu xa hơn là do KHCN chưa được xem là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, thay vào đó, tính cạnh tranh của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào phát triển theo chiều rộng, thâm dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có và tăng vốn đầu tư.


Bên cạnh đó, sự duy trì bao cấp của Nhà nước và độc quyền thực tế của doanh nghiệp nhà nước không tạo động lực đủ mạnh để các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ.


Theo Lê Văn


VietNamNet



Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website