Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11904342
Trực tuyến: 28

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 74610
Gửi lúc 17:32' 11/01/2015
Lặng thầm những người quan trắc môi trường

Sự cố hóa chất, độc xạ do cháy, nổ; ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí, đất đang ngày càng phổ biến. Cùng với đó, xử lý đất nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin sau chiến tranh ở nhiều vùng đất của nước ta vẫn là vấn đề nan giải. Từ nhiều năm nay, cán bộ, nhân viên Trạm Quan trắc, cảnh báo môi trường độc-xạ miền Bắc thuộc Viện Hóa học và Môi trường Quân sự, Binh chủng Hóa học, vẫn âm thầm thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. 

Các kỹ sư lấy và phân tích mẫu nước tại bờ Hồ Tây (Hà Nội), ngày 14-11-2014.

Cuộc điện thoại bất ngờ từ một người dân tập thể dục buổi sáng gọi tới Viện Hóa học và Môi trường Quân sự với nội dung, phát hiện thấy có nhiều cá chết nổi dạt vào bờ ở Hồ Tây, Hà Nội, vào sáng 14-11-2014. Không lâu sau đó, nhóm cán bộ, kỹ sư của Trạm Quan trắc, cảnh báo môi trường độc-xạ miền Bắc (sau đây gọi là Trạm) do Đại úy Phạm Việt Đức làm Trưởng nhóm đã có mặt tại Hồ Tây. Họ mang theo các thiết bị cùng hóa chất đặc biệt chuyên dụng. Bốn cán bộ, kỹ sư hội ý nhanh rồi phân công mỗi người một nhiệm vụ, lấy mẫu nước từ các vị trí trên hồ rồi tiến hành đo đạc, phân tích thành phần nước. Những cơn gió lạnh mùa đông thổi ràn rạt trên mặt nước càng làm rét thêm. Trong số bốn kỹ sư thì có hai người là nữ. Một trong hai người đó là Thượng úy Đặng Thị Uyên. Tôi chăm chú quan sát, gương mặt của Uyên tím lại vì lạnh. Bên cạnh Uyên là chiếc thùng phuy to đựng đầy nước. Số nước ấy được chính tay Uyên múc dưới hồ đổ vào. Cô tiếp tục công đoạn đánh lắng nước bằng hóa chất. Mùi hóa chất xộc vào mũi, vào mắt cay xè. Gạt đi tất cả khó khăn, Uyên vẫn tỉ mỉ, nhìn chăm chú vào kết quả vừa có được. Kết quả đưa ra, các kỹ sư chụm đầu phân tích, thống nhất đánh giá mẫu lấy được.

Mặc dù tiến hành công việc từ lúc 7 giờ sáng nhưng đến giữa trưa, cả nhóm mới cơ bản hoàn thành việc lấy mẫu nước. Mẫu sau khi lấy được qua các phân tích tại chỗ lại tiếp tục được đưa về Trạm để tiến hành phân tích chi tiết bằng máy móc. Kết quả chính thức được gửi tới các cơ quan có trách nhiệm cảnh báo, bảo vệ nguồn nước Hồ Tây, cũng như môi trường sống của thủ đô Hà Nội.

Đại úy Phạm Việt Đức cho biết: “Việc lấy mẫu nước để phân tích mức độ ô nhiễm được Trạm tiến hành thường xuyên. Khi có dấu hiệu bất thường như trường hợp cá chết vừa qua, Trạm sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích cảnh báo ngay. Hồ Tây chỉ là điểm lấy mẫu rất gần và thuận lợi. Có những hôm, chúng tôi phải đi hàng trăm ki-lô-mét để lấy các mẫu như: Đất, nước, không khí… Đặc biệt, trong các vụ việc như cháy, nổ liên quan đến hóa chất, cán bộ, nhân viên của Trạm cơ động đến hiện trường vào bất cứ lúc nào khi có lệnh.

Công việc vừa tạm ngớt, tôi hỏi Đặng Thị Uyên:

- Phụ nữ lại làm chuyên môn về ngành hóa học, hằng ngày tiếp xúc với hóa chất, em có sợ không?

- Uyên lắc đầu: “Chúng em quen rồi. Con gái theo ngành hóa là phải chấp nhận, phải dám vượt qua khó khăn”.

Tuy nhiên, môi trường Uyên hay một số chị em khác của Trạm làm việc còn dễ chịu hơn nhiều so với những anh em nam giới. Điều này thì tôi đã từng được chứng kiến. Đó là lần những cán bộ của Viện Hóa học và Môi trường Quân sự lên tìm xác những người đào vàng bị tử vong do khí độc trong một hang sâu ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đó là thời điểm nửa đêm một ngày đông, họ phải tức tốc hành quân sau khi nhận được mệnh lệnh từ cấp trên để lên Cao Bằng. Nơi ấy là hang Lũng Kẻng, thuộc thôn Lách, xã Thái Học, huyện Nguyên Bình. Ngày 27-12-2011, trong số 6 người dân chui vào hang Lũng Kẻng khai thác vàng trái phép thì 4 người đã tử nạn do trúng khí độc. Khi địa phương đưa lực lượng vào cứu thì không những không cứu được mà một chiến sĩ dân quân cũng đã phải nằm lại hang sâu do trúng khí độc. Việc cứu hộ là vô cùng khó khăn do hang đá quá hiểm trở. Và cuối cùng, việc cứu hộ, tìm thấy các nạn nhân để đưa lên khỏi miệng hang phụ thuộc hoàn toàn vào Bộ đội Hóa học, mà nòng cốt là các chiến sĩ Bộ đội Hóa học của Quân khu 1, của Binh chủng Hóa Học và của Viện Hóa học và Môi trường Quân sự. Những chiến sĩ hóa học đã không phụ công sự hy vọng, chờ đợi của thân nhân cũng như chính quyền nơi người dân gặp nạn.

Mẫu nước lấy được tại Hồ Tây tiếp tục được đưa về phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích chi tiết.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó để lại thật khủng khiếp. Một trong những công việc mà các cán bộ Trạm đã và đang thực hiện là phối hợp với các lực lượng của Bộ đội Hóa học xử lý chất độc da cam/ đi-ô-xin, một loại chất độc do quân đội Mỹ sử dụng rải thảm xuống các vùng đất ở Việt Nam trong chiến tranh, nhằm hủy diệt sự sống của con người cũng như các sinh vật. Việc xử lý đất nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin rất phức tạp. Nó không chỉ đòi hỏi sự gan dạ, dũng cảm, hy sinh, mà còn đòi hỏi sự bền bỉ, sáng tạo và trí tuệ của người xử lý. Đến thời điểm này, các thế hệ cán bộ của Trạm đã phối hợp tham gia xử lý hàng nghìn mét khối đất nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin tại Sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và hiện tại đang xây dựng dự án để xử lý phần bùn và đất nhiễm còn lại với quy mô lớn.

Thượng tá Đậu Xuân Hoài, Trạm trưởng Trạm Quan trắc, cảnh báo môi trường độc-xạ miền Bắc, cho biết: Trạm có chức năng thực hiện quan trắc, cảnh báo, phân tích các tác nhân hóa học, phóng xạ phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; tư vấn về kỹ thuật quan trắc, cảnh báo phóng xạ, hóa học cho các trạm quan trắc của các quân khu; thực hiện nhiệm vụ của thành viên trong hệ thống quan trắc, cảnh báo hóa học, phóng xạ quốc gia. Bên cạnh đó, Trạm cũng tham gia phân tích xác định các tác nhân hóa học, phóng xạ trong những tình huống; khắc phục các sự cố độc xạ và đánh giá tác động môi trường quân sự theo nhiệm vụ của Binh chủng Hóa học và Bộ Quốc phòng.

Trong câu chuyện với tôi, Thượng tá Đậu Xuân Hoài ấn tượng nhất là lần Trạm đã quan trắc được mây phóng xạ vào năm 2011, ngay sau sự kiện động đất, sóng thần khủng khiếp của Nhật Bản đã gây ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I (Nhật Bản).

Anh Hoài vẫn nhớ cảm giác khi ấy: “Lúc đó, các đám mây phóng xạ lan ra khắp nơi khiến toàn thế giới lo lắng. Với người dân Việt Nam, họ chia sẻ cùng nhau sự cố Nhà máy Điện hạt nhân của Nhật Bản trong các câu chuyện từ quán nước, bến xe đến công sở. Riêng tại Viện Hóa học và Môi trường Quân sự, các cán bộ, kỹ sư của Trạm trực liên tục trên tầng cao nhất của viện với các thiết bị quan trắc. Ngay sau đó, Trạm đã phát hiện một số đồng vị phóng xạ nhân tạo (137Cs, 134Cs, 131I) trong môi trường không khí tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I. Khi phát hiện các phóng xạ này tại Việt Nam, kết quả đã được báo ngay về các cơ quan có trách nhiệm. Cùng lúc đó, một đơn vị khác cũng đã phát hiện được các mây phóng xạ này. Việc đo được các đồng vị phóng xạ trong không khí ở Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là cơ sở để chúng ta có những cảnh báo đến người dân cũng như có các giải pháp tiếp theo. Rất may, mức độ phóng xạ sau đó được đánh giá là ảnh hưởng không đáng kể tới Việt Nam.

Mặc dù đặt tại Hà Nội, tuy nhiên, nhiệm vụ quan trắc, phân tích các mẫu đất, mẫu nước, mẫu rắn, mẫu phóng xạ của Trạm trải dài khắp cả nước, từ các khu vực Tây Nguyên, Đường Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Quần đảo Trường Sa… đến thủ đô Hà Nội.

Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa với sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt sự ra đời của hàng trăm khu công nghiệp với các nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, đi liền với nó cũng đặt ra một thách thức rất lớn đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ nhiều năm nay, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất là vấn đề nổi cộm. Với chức năng của mình, Trạm đã thực hiện quan trắc ở nhiều khu vực, trong đó tập trung vào lĩnh vực phóng xạ môi trường, hóa chất độc hại. Qua đó, đã đề xuất và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, sinh thái phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng--an ninh, bảo vệ sức khỏe bộ đội. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên của Trạm cũng đã chủ trì và tham gia xử lý hàng chục tấn hóa chất bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc nhập lậu và hàng chục nghìn mét khối đất nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tại nhiều địa phương trên toàn quốc, như: Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định… Đây sẽ vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của Trạm trong thời gian tới-Thượng tá Đậu Xuân Hoài nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN HÀ MY

Nguồn tin: http://www.qdnd.vn/

Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website