Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11904303
Trực tuyến: 24

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 11622
Gửi lúc 11:39' 20/05/2014
Nguy cơ từ rác thải y tế thải không được xử lý

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngành y tế ngoài hơn 800 bệnh viện công lập trên toàn quốc còn có 157 bệnh viện tư nhân và hơn 30.000 phòng khám tư nhân. Trong khi đó, số lượng các bệnh viện và phòng khám tư nhân vẫn không ngừng gia tăng.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, trung bình mỗi một ngày lượng chất thải y tế của các bệnh viện lên tới 400-500 tấn, trong đó khoảng 10% là chất thải nguy hại (40-45 tấn).

Đúng là theo quy định đã được Bộ Y tế ban hành thì các chất thải y tế nguy hại phải được các bệnh viện và các bên được giao trách nhiệm phải tiến hành tiêu hủy an toàn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều thông tin cho rằng có lượng lớn chất thải y tế nguy hại đang được “tuồn ra” các làng nghề tái chế rác để đưa quay vòng vào biến thành những vật liệu làm thành nhựa tái chế.

Trước thực trạng trên, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc thâm nhập thực tế vào các làng nghề để điều tra và có chứng kiến những “sự thật kinh hoàng!”

Đưa các loại chất thải y tế lên xe. (Ảnh: Thùy Giang/VietnamPlus)

Đưa các loại chất thải y tế lên xe. (Ảnh: Thùy Giang/VietnamPlus)

Rác thải tái chế thành áo mưa, hạt nhựa kết dính…

Con đường vào làng nghề tái chế rác Minh Khai hai bên đường trắng xóa những túi nylông đựng phế thải. Hai bên đường từng ụ, từng ụ đồ phế thải được xếp bất cứ nơi nào có khoảng trống.

Phải đi sâu qua rất nhiều cơ sở tái chế rác, ngoằn ngoèo qua những con đường nhỏ, đi sâu vào trong ngõ, phóng viên chúng tôi mới tìm ra được một cơ sở tái chế nhựa chuyên thu mua những vật dụng rác thải y tế chịu “mở cửa.”

Trong một cái nhà kho rộng chừng hơn 70 mét của gia đình chị P.T.T ở thôn Minh Khai (Thị trấn Như Quỳnh, Hưng Yên) chất chồng hàng trăm những bọc túi lớn đựng rác thải y tế.

Vạch một chiếc túi nylông đựng những chiếc dây dịch truyền, phóng viên sửng sốt khi thấy những chiếc dây này vẫn còn đỏ sẫm vết máu, dịch truyền còn vương lại trong ống dây.

Trong một cái túi lớn khác thì những chiếc bơm kim tiêm, dây truyền dịch xếp lẫn lộn với nhau thành một đống hổ lốn.

Bên trong cơ sở của chị T. là một không khí rất nhộn nhịp và khẩn trương. Toàn bộ kho hàng của chị có đến hàng trăm chiếc túi nylông trắng đựng nào là chai dịch truyền, lọ thuốc, dây truyền, bơm tiêm… Các túi rác thải y tế được xếp lên nhau kín đặc bức tường cao gần chục mét.

Có ba người đàn ông với chiếc tay trần đang bốc dỡ đưa những túi rác thải y tế lên chiếc xe tải nhỏ như chiếc công nông. Bên trong kho là hai người phụ nữ xếp những đồ rác thải gọn vào trong túi rồi thoăn thoắt bó miệng các túi lại. Chủ cơ sở cho hay, họ đang bốc dỡ phế liệu để chở đến cơ sở tái chế nhựa ở ngoài làng nghề.

Những ống dây truyền, dây máy thở được để trong rác thải y tế đi tái chế tại một cơ sở sản xuất ở làng Minh Khai. (Ảnh: Thùy Giang/VietnamPlus)

Những ống dây truyền, dây máy thở được để trong rác thải y tế đi tái chế tại một cơ sở sản xuất ở làng Minh Khai. (Ảnh: Thùy Giang/VietnamPlus)

Theo một hướng điều tra khác của phóng viên TTXVN tại một nơi cũng được coi là một trong những làng nghề tái chế đồ nhựa lớn của Hà Nội là làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) thực tế cũng không khác mấy.

Khởi nguồn từ nghề thu mua “đồng nát,” sau này phát triển thêm nhiều hộ làm nghề thu gom, tái chế đồ nhựa và đây chính là nguồn “hốt bạc” của các hộ dân ở đây.

Theo khảo sát,trung bình mỗi ngày, người dân Triều Khúc thu gom được khoảng 30 tấn phế liệu. Nguồn rác thải sau khi được thu gom, các cơ sở tiến hành phân loại, sơ chế và tái chế hoặc cung cấp cho các nhà máy sản xuất ra các sản phẩm gia dụng cung cấp cho thị trường.

Tuy nhiên, hoạt động tái chế nhựa ở Tân Triều vẫn mang đầy tính tự phát, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường. Tại xóm Án và xóm Lẻ, phế liệu tập kết về được đóng trong các bao để trong nhà kho hoặc chất đống ở các ô đất trống, chân tường; ven rãnh nước; đoạn đường dẫn ra nghĩa trang được tận dụng làm sân phơi đủ loại bao bì rác…

Thậm chí, ngay trước cổng trụ sở Ủy ban Nhân dân xã cũng biến thành nơi tập kết rác. Môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi khói bụi, hơi xăng, tiếng ồn.

Vừa xuất hàng cho khách, anh Nguyễn Huy Tặng, ở số nhà 7, ngõ 20, đường Tân Triều, vừa cho biết nghề tái chế nhựa ở Tân Triều đang dần mai một do tình trạng ô nhiễm môi trường, các hộ sản xuất thiếu mặt bằng sản xuất, nhiều hộ đã chuyển sang nghề khác.

Anh Tặng cũng hé lộ, ở Tân Triều vẫn còn tình trạng nhập rác thải y tế về để tái chế nhựa. Cách đây vài năm, việc nhập rác thải y tế như bơm kim tiêm, găng tay, dây truyền dịch, ống thở… ở Tân Triều khá phổ biến.

“Nhưng dạo này, dường như có một đơn vị nào đó đứng ra thu gom với giá cao hơn, nên loại nguyên liệu này chuyển về Tân Triều ít hơn trước,” anh Tặng cho biết thêm.

Tại những nơi này, một số người dân cho biết phế thải y tế nhập về không chỉ có bơm tiêm, dây dịch truyền, ống thở mà cả quần áo, ga giường bệnh viện… đã qua sử dụng cũng được thu mua, sau đó giặt sạch đem sử dụng vào việc khác.

Ngay cả một số cơ sở khẳng định không nhập rác thải y tế, nhưng theo quan sát bằng mắt thường, người viết vẫn nhận thấy lẫn trong đống phế thải có cả những bao bơm kim tiêm ống truyền nhựa.

Những chiếc ống kim tiêm được lấy ra từ túi đựng rác thải y tế tại cơ sở thu mua phế liệu tại làng nghề Minh Khai. (Ảnh: Thùy Giang/VietnamPlus)

Những chiếc ống kim tiêm được lấy ra từ túi đựng rác thải y tế tại cơ sở thu mua phế liệu tại làng nghề Minh Khai. (Ảnh: Thùy Giang/VietnamPlus)

Qua điều tra của phóng viên, ông Nguyễn Hữu Cánh – Trưởng thôn Minh Khai, cho biết, phế liệu là rác thải y tế được các hộ sản xuất đưa vào các máy ép, cắt để tái chế lại.

Những chai đựng huyết thanh chai nhựa người ta dùng máy xay nhỏ xong bán cho những gia đình chuyên thổi hàng, thổi ra nhiều vật dụng khác nhau. Hoặc họ xay nhựa đó nhỏ ra xong có người đến mua.

Trực tiếp hơn,chị P.T.T cho hay: “chúng tôi nghề thu mua về rồi tạo ra hạt nhựa nhỏ li ti, sau đó họ thổi ra thành sản phẩm là các mảnh nylông dài để người nông dân dùng để che mạ, căng ra chắn chuột trong mùa rét cho mạ, rau… Từ những hạt đó chế ra áo mưa.”

Đường đi: Thẳng từ bệnh viện về làng nghề

Trả lời câu hỏi nguồn hàng nhập về từ đâu? Chị T. cho hay, chị nhập rác thải y tế từ rất nhiều tỉnh, thành phố khác nhau như: Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội… về. Một tháng cơ sở của chị nhập khoảng 3 tấn rác thải y tế (chai lọ, giấy bìa rác…).

Ông Cánh, người trưởng thôn của “xứ sở” rác thẳng thắn thừa nhận: Hiện nay trong làng có hai hộ gia đình chuyên thu mua hàng phế liệu của bệnh viện như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện C (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), Bệnh viện Bạch Mai…

Cứ tối đến các gia đình họ sang các bệnh viện rồi thuê người đóng gói, chở ôtô về đây. Những gia đình đó họ đã thu mua rác thải y tế như mang đầu kim tiêm, ống-chai nước huyết thanh thu mua về đây để sản xuất, chế biến về lọc ra bán.

Ông Cánh cho hay, một ngày có khoảng 10 container chở rác nước ngoài từ Hải Phòng về. Ngoài container hàng kiện như trên còn vài chục xe tải, tầm từ chiều đến 9 giờ tối, đếm không thể biết là bao nhiêu chuyến.

Phía bên Triều Khúc cũng nhộn nhịp không kém, chị N.T.H – một người dân ở xã Tân Triều cho hay, vì cơ sở tái chế trên ngay mặt đường, tại ngã ba lớn có hôm lắm hàng về quá, nhiều chai dịch truyền, dây truyền, bơm tiêm còn vương vãi ra cả ngoài đường.

Thậm chí một người dân Triều Khúc còn sẵn sàng làm đầu mối mua bán lớn, tuần vài chuyến hàng một cách rất chắc chắn.

Được biết, hiện nay giá các loại phế thải là rác y tế được thu mua với giá: bìa giấy (2.000 đồng/kg), đồ thủy tinh (5.000 đồng/kg), nhựa (12.000 đồng/kg).

Rác thải y tế, gồm cả loại nguy hại được xếp chung vào và cùng được đem đi tới cơ sở tái chế. (Ảnh: Thùy Giang/VietnamPlus)

Rác thải y tế, gồm cả loại nguy hại được xếp chung vào và cùng được đem đi tới cơ sở tái chế. (Ảnh: Thùy Giang/VietnamPlus)

Ẩn họa khôn lường…

Từ thực tế trên đã cho thấy, một phần rác thải y tế nguy hại đang được “tuồn” về các làng tái chế đồ nhựa như hai làng nghề trên.

Trong khi đó lại là các làng nghề với đặc trưng là cách sản xuất manh mún, tự phát, không theo bất cứ một quy trình giám sát chất lượng nào. Trong khi rác thải y tế nguy hại lại tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm bệnh và có thể làm ô nhiễm môi trường.

Đề cập đến làng nghề Minh Khai, ông Nguyễn Minh Chính – Phó chủ tịch Thị trấn Như Quỳnh cho hay, trước đây người dân trong làng chỉ đi đổi phế thải, sau đó dần hình thành làng nghề tái chế. Hiện nay trong thôn Minh Khai có 917 hộ, gần 4.500 khẩu, trong đó có 500 hộ hoạt động có kinh doanh có quy mô lớn, còn đa phần các hộ là sản xuất thủ công.

Trả lời các thắc mắc về việc diệt khuẩn, thì đa số các hộ dân đều có chung câu trả lời là rất sơ sài thậm chí là không làm gì.

Chị P.V.A (32 tuổi) ở thôn Minh Khai – chủ một cơ sở tái chế nhựa cho hay, nhà chị thỉnh thoảng cũng nhập được một lượng đồ rác thải y tế. Với đồ phế liệu y tế, gia đình chị dung chất tẩy rửa xà phòng để làm sạch chúng.

Còn tại một cơ sở thu mua phế liệu ở thôn Minh Khai khác, ông chủ cơ sở thừa nhận: gia đình anh chưa có quy trình diệt khuẩn nào. Sau khi mua phế liệu về cơ sở của anh tái chế trực tiếp trên máy.

Có thể nói việc rác thải y tế đi thẳng từ bệnh viện đến làng nghề là câu chuyện diễn ra hàng ngày, công khai và với phương thức sản xuất manh mún, tự phát, không theo bất cứ một quy trình giám sát chất lượng nào, thì các sản phẩm gia dụng được làm từ nguồn nguyên liệu này đang tiềm ẩn những nguy cơ chết người gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Nguy hiểm hơn, ngay cả những nỗi lo có thể bị nhiễm bệnh từ những mầm bệnh còn ở rác thải y tế cũng không được những người thu mua và chế biến quan tâm hay lo lắng.

Chị P.T.T thành thật: ” Tất nhiên là có thể lây bệnh, làng nghề không thể tránh khỏi được. Buôn bán thì mình phải chấp nhận thôi. Nhà mình không buôn cái này thì buôn cái khác. Chị mua lại từ các đại lý nên có gì người ta đã lọc qua bớt rồi.”

Ông Nguyễn Hữu Cánh tâm sự: “Làng tôi có đặc thù là làng phế liệu. Thực tế có thể thấy làng tôi là cái bãi rác cho cả nước, không chỉ mình khu vực miền Bắc. Thực ra lượng rác phế liệu ở làng quá lớn, nhiều nhà khoa học đã về đây tìm hiểu và xác định đây là rốn rác của cả nước, kể cả nhập rác từ nước ngoài về.”

Còn ông Nguyễn Minh Chính thì phân bua: Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng thường xuyên có các đoàn xuống kiểm tra, đánh giá việc phát triển của làng nghề, đánh giá việc tác động của môi trường đã tạo điều kiện thành lập làng nghề Minh Khai, đưa toàn bộ người dân Minh Khai ra khỏi làng để làng nghề ở một khu tập trung.

Khi đi thị sát, chúng tôi đã ghi nhận có nhà thu mua rác thải y tế để tái chế sử dụng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh. Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ rằng nó độc hại thôi, do vậy khuyên bà con không nên mua những thứ độc hại, nó ảnh hưởng trực tiếp đến các gia đình và người dân xung quanh, chứ xác minh chất thải rắn hại hay phế liệu này nguy hại ra sao thì đối với cấp cơ sở chúng tôi cũng không biết.

Thực tế hàng năm có nhiều đơn vị của tỉnh như Sở tài Nguyên Môi trường của tỉnh, Sở Khoa học tỉnh cũng đã nhiều lần cử các đoàn xuống… đánh giá tác động của việc tái chế này có gây ra ô nhiễm cho nguồn nước, khí thải… ảnh hưởng đến sức khỏe của con người khu vực xung quanh.

Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả trả lời. Vì vậy, lãnh đạo thị trấn cũng chỉ có cách khuyến cáo, tuyên truyền đề nghị người dân phải tuân thủ việc bảo vệ an toàn cho người lao động.

Chúng tôi cần các cơ quan chức năng hãy quan tâm, xuống nghiên cứu để trắc địa nguồn nước, khí thải tại làng nghề gây nguy hại sức khỏe con người đến đâu, có kết luận cụ thể thì chúng tôi mới có phương án tuyên truyền cảnh báo người dân có ý thức và chấp hành quy định luật về môi trường để bảo vệ người dân địa phương, người sản xuất và đảm bảo an ninh về môi trường, ông Chính nói thêm.

Theo Nhóm P.V/VietnamPlus, 16/05/2014


Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website