Sau khi nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc phát hiện nhiều mẫu cá điêu hồng tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) nhiễm chất cấm Trifluralin hồi giữa tháng 4/2012, trong tháng 6 và tháng 7 năm 2012, Cục Quản lí chất lượng NLS&TS đã chỉ đạo các Chi cục tại ĐBSCL tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu nhằm kiểm soát chặt dư lượng của Trifluralin và các chất cấm khác trên thủy sản, đặc biệt là cá điêu hồng.
Cụ thể, trong khuôn khổ Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi (Chương trình kiểm soát dư lượng), trong tháng 6/2012, Cục đã chỉ đạo 2 Chi cục Quản lí chất lượng NLS&TS Tiền Giang và Vĩnh Long triển khai lấy mẫu kiểm tra tăng cường chỉ tiêu Trifluralin trong kế hoạch Chương trình kiểm soát dư lượng tháng 6/2012. Kết quả phân tích các chất cấm độc hại cho thấy, toàn bộ 10 mẫu thủy sản nuôi lấy ở 3 vùng nuôi tại 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long đều không phát hiện thấy dư lượng Trifluralin.
Trong tháng 7/2012, Cục tiếp tục chỉ đạo 3 Chi cục Quản lí chất lượng NLS&TS Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp triển khai lấy mẫu kiểm tra tăng cường chỉ tiêu Trifluralin đối với cá điêu hồng. Kết quả cũng cho thấy, trong số 15 mẫu cá điêu hồng được lấy ở 10 vùng nuôi thuộc 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp đều không phát hiện dư lượng Trifluralin. Cũng trong tháng 7/2012, Chương trình kiểm soát dư lượng chỉ phát hiện 1 mẫu cá tra tại tỉnh Vĩnh Long có tồn dư chất Trifluralin. Cơ quan Quản lý chất lượng NLS&TS Trung bộ, Nam bộ và Cục Quản lý chất lượng NLS&TS đã có văn bản thông báo đến Chi cục địa phương và các cơ quan liên quan đề nghị điều tra nguyên nhân và triển khai các biện pháp khắc phục phù hợp đối với trường hợp này.
Tổng hợp kết quả phân tích dư lượng chất Trifluralin trên thủy sản nuôi trên cả nước trong 7 tháng đầu năm 2012 của Cục Quản lí chất lượng NLS&TS cho thấy, trong tổng số 191 mẫu được phân tích, chỉ có 1 mẫu vi phạm, chiếm tỉ lệ 0,52% (so với tỉ lệ vi phạm năm 2010 là 9,9%, năm 2011 là 1,97%). Điều này cho thấy, tỉ lệ tồn dư của Trifluralin trên thủy sản nuôi hiện nay là vô cùng thấp.
Cũng theo Cục Quản lí chất lượng NLS&TS, trong 6 tháng đầu năm 2012, trong tổng số 1.354 mẫu thủy sản nuôi được phân tích ở 41 chỉ tiêu thuộc 9 nhóm hóa chất, kháng sinh tồn dư trên thủy sản nuôi trên cả nước cho thấy, chỉ có 31 mẫu vi phạm, chiếm tỉ lệ 2,2%.
Trifluralin là một loại thuốc diệt cỏ, trước đây thường được nông dân nuôi thủy sản ở ĐBSCL sử dụng để xử lí ao nuôi. Tuy nhiên từ ngày 2/4/2010, trong Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư 15/2009 về danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng của Bộ NN-PTNT đã bổ sung hoạt chất Trifluralin vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong SX, kinh doanh thủy sản.
Hồi giữa tháng 4/2012, nhiều phương tiện thông tin báo chí dẫn lời từ Chi cục Quản lí chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cho rằng, nhiều mẫu cá điêu hồng lấy ở chợ đầu mối Bình Điền phát hiện nhiễm chất Trifluralin. Thông tin này đã ngay lập tức làm cho người tiêu dùng hết sức hoang mang. Tuy nhiên, các kết quả kiểm tra, phân tích dư lượng chất Trifluralin sau đó cũng như kết quả của Chương trình giám sát dư lượng do Cục Quản lí chất lượng NLS&TS tiến hành trong thời gian qua cho thấy, tỉ lệ tồn dư của Trifluralin trên cá điêu hồng cũng như các thủy sản nuôi khác hiện nay là hết sức nhỏ bé. Đồng thời, việc kiểm soát lưu hành chất này đã có chuyển biến rõ rệt.
Theo nongnghiep.vn