Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11888332
Trực tuyến: 19

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 4515
Gửi lúc 09:32' 07/07/2013
Sớm loại bỏ kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi

Trước tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhất là từ nguồn thức ăn có trộn sẵn kháng sinh liều thấp, nhiều nước đã cấm hoàn toàn việc trộn kháng sinh vào TĂCN. Trong khi đó, ở nước ta, kháng sinh vẫn đang tiếp tục được trộn sẵn vào TĂCN ngay từ khâu sản xuất trong các nhà máy.

Đã đến lúc nước ta cũng nên sớm cấm hẳn việc trộn kháng sinh vào TĂCN để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước và tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

KIỂM TRA LÀ “DÍNH” KHÁNG SINH

Chuyện của quả trứng

Trong số các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở nước ta hiện nay, nói về khâu xuất khẩu, ngành hàng chăn nuôi có vẻ kém miếng nhất. Trong khi nhiều mặt hàng khác đã đem về cho đất nước hàng trăm triệu, hàng tỷ USD xuất khẩu, thì theo ông Hồ Mộng Hải, chuyên viên Cục Chăn nuôi, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ở nước ta hiện đang ở mức không đáng kể. Nguyên nhân chính là tình trạng dịch bệnh diễn ra thường xuyên, những vấn đề về chất lượng sản phẩm, giá thành chăn nuôi cao…

Trong bối cảnh ấy, những quả trứng gia cầm nhỏ bé đã trở thành niềm hy vọng nhỏ nhoi của ngành chăn nuôi, dù giá trị trứng xuất khẩu chưa nhiều nhặn gì. Ngôi sao trong xuất khẩu trứng vẫn là trứng vịt muối. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, trứng vịt muối đã bắt đầu được xuất khẩu ra nước ngoài và dù có lúc tăng, lúc giảm, nhưng vẫn được duy trì cho đến tận bây giờ. Hiện tại, mỗi năm, các doanh nghiệp ở ĐBSCL xuất khẩu gần 40 triệu quả trứng vịt muối. Gần đây, một số doanh nghiệp cũng đã bắt đầu xuất khẩu được trứng gia cầm tươi. Như trại gà Thanh Đức ở xã Xuân Phú (Xuân Lộc, Đồng Nai) hiện mỗi tháng xuất khẩu được 100 ngàn quả trứng gà sang Nhật Bản. Một doanh nghiệp khác ở TP.HCM đã xuất khẩu được trứng tươi sang Hồng Kông, Singapore, châu Phi...

Trứng sạch xuất khẩu đều phải qua giai đoạn kiểm định dư lượng kháng sinh

Thế nhưng, việc xuất khẩu trứng vịt muối, trứng gia cầm tươi đang đứng trước những thử thách nặng nề bởi trứng bị phát hiện có tồn dư kháng sinh. Thời gian vừa qua, nhiều lô hàng trứng vịt muối của một số doanh nghiệp ở ĐBSCL, đã bị nước ngoài trả về do có tồn dư kháng sinh trong trứng. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, nguy cơ trứng vịt muối bị mất một số thị trường xuất khẩu quan trọng là không nhỏ.

Gần đây, một số doanh nghiệp ở TP.HCM được các nhà nhập khẩu Nhật Bản “xi nhan” rằng người tiêu dùng nước này rất thích ăn trứng cút luộc bóc vỏ. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này ở Nhật Bản là rất lớn. Vì thế, các nhà nhập khẩu Nhật Bản sẵn sàng mua hết lượng trứng cút luộc bóc vỏ, với giá tốt. Tất nhiên, trứng cút xuất khẩu sang Nhật phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này. Được sự chào mời ấy, các doanh nghiệp Việt Nam vội chạy đôn chạy đáo đi tìm nguồn trứng cút để xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhưng sau mấy tháng trời chạy đi lo việc này, các doanh nghiệp đều phải lần lượt lắc đầu một cách đầy nuối tiếc để từ chối cơ hội xuất khẩu tưởng như khá ngon ăn ấy. Vì sao vậy?

Giám đốc một doanh nghiệp than thở: “Người Nhật cần mua khối lượng lớn, nhưng nuôi cút lấy trứng ở ta hầu hết là quy mô nhỏ lẻ. Để gom được đủ lượng trứng đủ đáp ứng đơn hàng của nhà nhập khẩu là rất khó”. Một khó khăn lớn khác mà các doanh nghiệp Việt Nam không dám đưa trứng cút sang Nhật là tình trạng dư lượng kháng sinh trong trứng. Trứng xuất khẩu sang Nhật Bản bắt buộc không hề có tồn dư bất cứ loại kháng sinh nào. Thế nhưng, dù lấy trứng cút ở đâu, khi đem đi kiểm tra cũng đều thấy có tồn dư kháng sinh. Ông Nguyễn Quang, GĐ Cty Hiệp Phát, nói: “Lúc đầu tôi cứ tưởng những người nuôi cút có sử dụng kháng sinh cấm. Hỏi han kỹ thì ra không phải như vậy. Mà bởi họ sử dụng thức ăn công nghiệp cho chim cút ăn. Trong thức ăn công nghiệp, nhà sản xuất thức ăn đã trộn sẵn kháng sinh liều thấp rồi. Tôi hỏi một số chuyên gia chăn nuôi thì được biết những kháng sinh này vẫn đang được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta. Chim cút được nuôi bằng thức ăn công nghiệp đã có trộn sẵn kháng sinh liều thấp nên khó tránh khỏi việc trứng cút có tồn dư kháng sinh”.

Tôi đem vấn đề trứng có tồn dư kháng sinh tới hỏi PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuân - một chuyên gia về súc sản ở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Ông Tuân phân tích: “Nuôi gia cầm lấy trứng, người ta rất chú trọng bảo vệ sức khỏe cho con gia cầm bằng cách tiêm ngừa vacxin để bảo vệ mà không đợi khi có bệnh mới xử lý bằng kháng sinh. Vì thế, trứng có tồn dư kháng sinh thì chỉ có thể là từ nguồn thức ăn đã có trộn sẵn kháng sinh liều thấp”.

Vi khuẩn trên thịt đua nhau lờn thuốc

Từ chuyện trứng có tồn dư kháng sinh, PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuân chuyển sang vấn đề tồn dư kháng sinh trên sản phẩm thịt. Ông không đi ngay vào nội dung mà hỏi tôi có đọc thông tin mới đăng trên báo chí gần đây về việc một trẻ em ở Cần Thơ bị tử vong do khuẩn E.coli lờn thuốc. Tôi thưa rằng đã đọc. PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuân đặt câu hỏi: “E.coli vốn chỉ là một loại vi khuẩn bình thường, đâu có gì ghê gớm, vậy sao nó có thể kháng thuốc để gây chết người?”. Rồi ông tự trả lời: “E.coli có thể kháng thuốc, trước hết là do tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi. Bên cạnh đó, tình trạng tồn dư kháng sinh trong thịt, trứng… cũng góp phần không nhỏ khiến cho E.coli trở nên lờn thuốc, kháng thuốc. Bởi con vi khuẩn này rất dễ thấy ở thịt heo. Trong điều kiện bảo quản tương đối sạch sẽ, thịt heo vẫn có thể bị nhiễm E.coli tới 30%. Còn nếu là thịt bày bán ở các chợ quê, chợ tạm, tỷ lệ nhiễm khuẩn có thể lên tới 100%. Mà đâu chỉ có E.coli, nhiều con Samonnella, khuẩn tụ cầu vàng… cũng đã đa đề kháng thuốc”.

Nói rồi, PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuân cho tôi xem một kết quả nghiên cứu mới đây của một số nhà khoa học ở ĐH Nông lâm TP.HCM về tình trạng kháng kháng sinh của một số loại vi khuẩn có trong sản phẩm thịt. Theo đó, vi khuẩn Staphilococus aureus (khuẩn tụ cầu vàng) kháng 100% với các loại kháng sinh như Penicillin, Amoxicillin, Ampicillin; kháng 56% với kháng sinh Kanamycin; kháng ở các mức độ khác nhau với các loại kháng sinh khác như Cephalexin, Amoxicillin, Oxacillin, Norfloxacin, Ciprofloxacin, Tetracycline, Gentamicin, Chloramphenicol, Clindamycin, Sulfamethoxazole… Có 1 con tụ cầu vàng có thể đề kháng tới mấy loại kháng sinh (đa đề kháng).

Trong bản báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu sản xuất thịt lợn an toàn chất lượng cao” do Viện KHKTNN Miền Nam thực hiện cách đây vài năm, cũng nêu rõ tình trạng kháng kháng sinh của nhiều loại vi khuẩn trong các trại nuôi heo. Theo đó, kết quả kháng sinh đồ ở một số trại chăn nuôi lợn thuộc TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương cho thấy đã có 77,8% vi khuẩn E.coli, 66,7% vi khuẩn Salmonella, 50% vi khuẩn Staphylococcus và 100% vi khuẩn Streptococcus kháng lại kháng sinh chlotetracyclin; 22,2% vi khuẩn Salmonella kháng lại kháng sinh norfloxacin; 11,1% vi khuẩn Staphylococcus và 100% vi khuẩn Streptococcus kháng lại kháng sinh gentamycin; 66,7% vi khuẩn Staphylococcus và 100% vi khuẩn Streptococcus kháng lại kháng sinh streptomycin. Như vậy hầu hết các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa và đường hô hấp trên lợn đã đề kháng với các loại kháng sinh thông thường sử dụng trong chăn nuôi lợn ở khu vực Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.

Vì sao nhiều loại vi khuẩn trên thịt dễ đề kháng thuốc như vậy? Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuân, đó là hậu quả của tình trạng tồn dư kháng sinh trên các sản phẩm chăn nuôi. Ông nói: “Người chăn nuôi cứ hở ra là dùng thuốc. Trong khi đó, nhiều loại thuốc thú y lại không đủ liều như quy định. Chẳng hạn gói thuốc ghi là 500 mg, nhưng thực tế lại thấp hơn. Thuốc không đủ liều, điều trị đương nhiên không hiệu quả. Người chăn nuôi buộc phải tăng liều lên. Cứ như vậy sẽ càng tạo điều kiện cho vi khuẩn lờn thuốc. Nhưng nguyên nhân chính gây nên tình trạng tồn dư kháng sinh trên sản phẩm chăn nuôi là từ nguồn thức ăn có trộn kháng sinh”.

Trong bản báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu sản xuất thịt lợn an toàn chất lượng cao”, nhóm tác giả khẳng định: Kết quả điều tra cho thấy hầu hết các nhà máy vẫn thường xuyên sử dụng kháng sinh làm chất kích thích sinh trưởng và phòng bệnh bổ sung vào thức ăn cho lợn. Có cơ sở bổ sung thường xuyên, có cơ sở bổ sung theo định kỳ. Họ không biết chắc rằng người chăn nuôi sử dụng như thế nào, có tuân thủ ngưng sử dụng thức ăn có kháng sinh trước khi giết mổ theo quy định hay không? Chính vì thế khả năng gây lờn thuốc của các vi khuẩn gây bệnh và khả năng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt lợn là rất lớn.

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website