Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11814094
Trực tuyến: 30

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 4630
Gửi lúc 21:23' 21/07/2013
Vướng mắc trong quản lý và tiêu hủy PCB
Tập huấn nhận biết PCB

(VEN) - Việt Nam không sản xuất PCB nhưng nhập khẩu thiết bị có khả năng chứa PCB như: Dầu biến thế, dầu cách điện, dầu công nghiệp, chất phụ gia… từ cuối những năm 1940 và đã ngừng nhập khẩu vào khoảng những năm 1980. Tuy nhiên, không chỉ hiện hữu trong các sản phẩm hóa chất công nghiệp, POP/PCB còn hiện hữu trong các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và hiện những loại thuốc này vẫn được “nhập lậu” vào Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc và một số tỉnh phía Nam giáp Campuchia. Vấn đề là hiện nay Việt Nam chưa tìm được giải pháp quản lý và tiêu hủy hữu hiệu các chất thải POP/PCB này.

Theo thống kê ban đầu mà Dự án Quản lý PCB Việt Nam công bố, hiện cơ sở hạ tầng cho quan trắc ô nhiễm POP còn hạn chế, số lượng phòng thí nghiệm phân tích được POP ở Việt Nam rất ít ỏi, chủ yếu tập trung ở các viện nghiên cứu, các trường đại học và một vài phòng thí nghiệm có chức năng của Nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhìn chung, các phòng thí nghiệm này chưa đủ trang thiết bị đồng bộ và nhất là chưa đủ cán bộ được đào tạo chuyên sâu để phân tích lượng vết DDT, PCB, Dioxin trong các mẫu sữa mẹ, tóc, máu liên quan trực tiếp tới việc đánh giá ảnh hưởng của POP tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tại những cơ sở đang lưu giữ những thiết bị, sản phẩm có chứa POP/PCB.
PCB là một trong 21 nhóm chất thuộc chất hữu cơ khó phân hủy (POP). PCB rất bền vững trong môi trường, có khả năng thích ứng rất cao, đặc biệt là trong các mô mỡ của động vật và con người, có khả năng gây ung thư nên đây là hợp chất rất độc, thậm chí chỉ với một hàm lượng rất nhỏ.
Trong khi đó, công tác tiêu hủy, xử lý các chất POP/PCB còn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam chưa có công nghệ thích hợp để xử lý an toàn các chất hữu cơ khó phân hủy này. Mặc dù Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành quy định về quy trình, phương pháp tiêu hủy an toàn một số hóa chất độc hại, trong đó có thuốc BVTV nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu sử dụng phương pháp đốt của Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường - Bộ Tư lệnh Hóa học, qua thử nghiệm tại các địa phương Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình (2001-2003) cho thấy, phương pháp đốt này có nhiều tiềm năng gây phát thải khí Dioxin, Funrua ra môi trường không khí mà không có thiết bị kiểm soát hiệu quả. Nếu đốt bằng phương pháp thiêu đốt ở nhiệt độ cao trong lò nung xi măng tại Nhà máy xi măng Holcim - Hòn Chông (Kiên Giang) thì không gây phát thải Dioxin nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ để cấp phép xử lý. Còn xử lý PCB trong dầu biến thế đang trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm. Do đó, công tác quản lý an toàn khi tiếp xúc và xử lý triệt để PCB cũng như các thiết bị và khu vực bị ô nhiễm PCB là một nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết để hạn chế tác hại của PCB đối với con người và môi trường. Đặc biệt, thuốc BVTV là POP hiện đang tồn lưu tại Việt Nam rất lớn nhưng lại phân bổ rải rác ở nhiều địa phương trong cả nước, việc chọn địa điểm xử lý ở các địa phương là rất khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho công tác thu gom, xử lý còn hạn hẹp và cơ chế tổ chức xử lý chưa rõ ràng.
Một thực tế là hiện nay, không ít trong số thuốc BVTV nhập lậu vào Việt Nam là thuốc BVTV giả có chứa POP. Một cán bộ quản lý thị trường cho biết, mặc dù phát hiện được các đối tượng buôn lậu, hoặc hàng hóa là thuốc BVTV giả, nhưng nếu bắt giữ thì không có kho lưu giữ bảo quản đảm bảo an toàn, chi phí thuê tiêu hủy rất đắt mà cơ quan quản lý thị trường lại không có đủ kinh phí. Từ đó đã tạo ra tâm lý “ngại” thu giữ các loại hóa chất BVTV tồn từ khâu nhập khẩu đến mua bán, lưu hành trái phép trong thị trường nội địa.
Theo ông Dương Minh Đức - Cục Điều tra phòng chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, “khó khăn hiện nay chính là các cán bộ hải quan vẫn thiếu phương tiện, cơ sở vật chất, công cụ, bảo hộ lao động trong kiểm tra, đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện các thiết bị, sản phẩm có chứa POP/PCB. Thêm vào đó, hệ thống quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý hải quan còn chưa chặt chẽ, đầy đủ, chưa ràng buộc trách nhiệm của các hãng tàu, đại lý vận tải… đối với việc khắc phục hậu quả khi vận chuyển các lô hàng vi phạm vào lãnh thổ Việt Nam”. Hơn nữa, vấn đề xử lý đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, vi phạm Công ước Basel chứa nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, dễ bị lợi dụng để vi phạm.
Còn theo ý kiến từ Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), trong khi chờ đợi giải pháp quản lý, tiêu hủy an toàn, trước mắt, để hạn chế thuốc BVTV có chứa POP/PCB vào Việt Nam, các cơ quan chức năng như Hải quan, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường… cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, làm chặt ngay từ biên giới, cửa khẩu, cần phải tăng cường công tác quản lý xuất, nhập khẩu các loại hóa chất BVTV nói chung, có như vậy mới giảm thiểu thuốc BVTV có POP/PCB hoành hành trong nước./.
Thu Hường
Nguồn tin: epronews.com

Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website