Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11888715
Trực tuyến: 26

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 4729
Gửi lúc 17:33' 01/01/2013
Thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản

Để hiểu rõ hơn công tác kiểm tra ATVSTP cũng như cách làm của Việt Nam so với quốc gia khác trên thế giới, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) xung quanh vấn đề này

Nhận thức nâng lên rõ rệt

Vì sao Cục BVTV được giao thực hiện việc quản lý ATTP với các mặt hàng có nguồn gốc thực vật, thưa ông?

Việc Bộ NN-PTNT giao Cục BVTV đảm nhận công việc này bởi ATTP hiện nay ở nước ta quan tâm nhất chính là dư lượng thuốc BVTV. ATTP có 4 chỉ tiêu là dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, dư lượng về vi sinh vật và vấn đề canh tác liên quan đến phân bón. Vi sinh vật ăn chín uống sôi có thể khắc phục được, kim loại nặng đến từ đất nên nguy cơ không cao, vấn đề phân bón nhìn bằng mắt thường có thể nhận biết. Do đó, nguy cơ nhất chính là dư lượng thuốc BVTV.

Ngay từ 1/7/2011, chúng tôi đã triển khai tập huấn, đào tạo cán bộ, sắp xếp tổ chức thành lập Phòng ATTP & quản lý môi trường để làm đầu mối. Do đó, việc triển khai rất nhanh, ngay lập tức chúng tôi đã tiếp quản được công việc.

Ban đầu, cũng hơi khó khăn bởi đây là lĩnh vực mới và trước đây chúng tôi chỉ kiểm dịch phát hiện bệnh lạ để nó không xâm nhập vào Việt Nam. Nhưng nhờ có chuyên môn sẵn nên việc xử lý hồ sơ, lấy mẫu nhanh chóng đi vào quy củ. Hiện chúng tôi có các trung tâm lấy mẫu, xét nghiệm tại Hà Nội, TP. HCM và các vùng biên giới phía Bắc.

Từ khi triển khai nhiệm vụ mới, Cục BVTV đã thu được những kết quả gì?

Chúng tôi tiến hành xếp những mối nguy cơ như các nước khác trên thế giới, mặt hàng rau củ quả tươi là món hàng được ưu tiên nhất nên tập trung vào mặt hàng này trước, các mặt hàng khác cũng được quan tâm nhưng với tần suất thấp hơn. Tháng 10 vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Thông tư 13 và có báo cáo Bộ NN-PTNT.

Đến nay chúng tôi đã kiểm tra 1.545 mẫu và phát hiện 12 trường hợp vi phạm, sau đó đã xử lý theo quy định, tăng tần suất cảnh báo cho doanh nghiệp. Chúng tôi thấy có tác dụng tốt vì mình đã kiểm soát chặt, mặt hàng doanh nghiệp NK gần đây tốt hơn, tần suất phát hiện thấp hơn.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực kiểm tra ATTP rất tốn kém, đối với một mẫu rau quả cần phân tích từ 25-30 hoạt chất, bình quân 300.000 VNĐ/mẫu hoạt chất, còn chi phí cho hóa chất cũng rất đắt tiền. Sang năm chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, xác định những mặt hàng nào có nguy cơ cao nhất để tập trung, còn đối với những mặt hàng an toàn hơn thì chỉ tiêu sẽ xét ít đi.

Bên cạnh đó, Cục BVTV tham khảo kết quả của các nước khác, nước nào vi phạm nhiều thì mình thận trọng hơn, những nước chấp hành tốt mình sẽ giảm việc kiểm tra để tiết kiệm chi phí.

Vậy, năng lực phân tích, kiểm định của Cục BVTV trong những năm tới như thế nào?

Vừa rồi Bộ NN-PTNT đã phê duyệt 3 dự án trang bị cho các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái. Các dự án này nhằm nâng cấp các phòng thử ngiệm, trang bị máy móc thiết bị hiện đại hơn cũng như nâng cao nghiệp vụ của nhân viên.

Đồng thời, Cục cũng triển khai Thông tư 16 của Bộ NN-PTNT, đó là chỉ định thêm các phòng thử nghiệm khác chứ không phải chỉ trong Cục BVTV, tăng cường việc kiểm tra ATTP. Cách đây 3 tháng, Cục cũng được bổ sung thêm thiết bị trị giá khoảng 1,5 triệu USD để xác định kim loại nặng, là loại hiện đại nhất của thế giới hiện nay để xác định chính xác hơn, nhanh hơn.

Vừa qua, người dân rất hoang mang về tồn dư thuốc BVTV trong nông sản nước ta, vậy việc xác minh đánh giá như thế nào cho thật chính xác thưa ông?

Nhận thức của người dân về ATTP trong thời gian qua đã được nâng cao rõ rệt, mọi người đã quan tâm đến vấn đề này, tôi cho rằng đó là một tín hiệu đáng mừng. Thông tin của truyền thông đại chúng cũng đã tác động lớn đến người tiêu dùng, từ đó giúp mọi người thận trong hơn. Tuy nhiên, người dân cũng có phần quá hoang mang do họ chưa hiểu được vấn đề ATTP ở nước ta đang được kiểm soát như thế nào, các nước trên thế giới đang kiểm soát ra sao?


Người tiêu dùng cần hiểu những nguyên tác cơ bản khi mua thực phẩm

Trên thị trường hiện nay có khoảng 7-8% lượng hàng kiểm tra có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép, với mức này nước ta thuộc diện trung bình khá so với thế giới. Ví dụ với các nước châu Âu các mẫu chiếm khoảng 4-5%, nhưng cũng có các nước trên 10% như Pháp, Áo, Thái Lan… còn Trung Quốc thì tùy từng khu vực, dao động từ 3-15%.

Văn bản pháp luật của chúng ta cũng nghiêm ngặt hơn nhiều nước trên thế giới, các loại độc nhóm 1,2 là không cho phép sử dụng, nếu dùng thuốc phải có thời gian cách ly ít nhất 7 ngày, các nhóm độc 3 và 4 mới được phép sử dụng trên rau.

Việt Nam là nước XK nông sản, năm nay chúng ta đứng thứ nhất về việc XK gạo, mức trả về cũng chỉ là trung bình, điều đó cho thấy chúng ta cũng kiểm soát được vấn đề ATTP. Trong vòng 5 năm tới chúng ta sẽ đưa mức này xuống dưới 5%, đến năm 2020 thì phải đưa được mức vi phạm xuống dưới 3%.

Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá hoang mang, lo lắng vì nhà nước hết sức quan tâm đầu tư đến kiểm soát ATTP, đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản ngang hàng với thế giới. Hàng mình nhập khẩu về không đủ chất lượng mình cũng trả lại.

Vấn đề ATTP của chúng ta được kiểm tra thường xuyên và liên tục, không phải mình thấy thế giới làm gì rồi mình mới làm. Tuy nhiên, khi có vấn đề gì xảy ra thì mình tăng cường kiểm tra chứ không phải mình thụ động chạy theo họ.

Nên sử dụng rau, quả an toàn

Cá nhân ông có khuyến cáo điều gì với người tiêu dùng?

Tôi khuyến cáo người dân nên mua rau quả ở những cửa hàng rau an toàn (RAT), ở Hà Nội hiện nay có trên 300 cửa hàng như vậy. Người tiêu dùng có thói quen mua ở vỉa hè, chợ nhỏ lẻ, như vậy là không tốt vì nguy cơ cao hơn, còn những cửa hàng RAT được nhà nước kiểm tra chặt chẽ, đó cũng là hình thức tạo động lực cho người SX RAT có thị trường. Họ kêu gọi SX RAT nhưng đến lúc có cửa hàng RAT thì lại không mua. Muốn RAT phát triển thì người dân phải đến cửa hàng RAT mua, đó là ý thức giúp cho SX RAT của mình có điều kiện phát triển.

“Tổng hợp những biện pháp trên người dân có thể loại trừ 80% nguy cơ, như thế là rất bổ ích. Chúng tôi muốn khuyến cáo các phương tiện truyền thông, muốn phát triển RAT phải định hướng nâng cao trách nhiệm và ý thức của người tiêu dùng.

Chúng tôi cũng đề nghị Nhà nước xây dựng mạng lưới tình nguyện viên về ATTP. Nếu có mạng lưới này thì các thông tin về ATTP sẽ được phát hiện sớm”, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV.

Người dân nên chọn những hoa quả chính vụ, trong quá trình SX có những loại cây có rất nhiều sâu bệnh buộc nông dân phải phun nhiều thuốc, có những loại ít sâu bệnh thì người ta dùng ít hơn. Các loại quả an toàn nhất hiện nay như bưởi, chuối, thanh long… còn rau như bí xanh, bí đỏ, mướp, bầu, củ… nguy cơ thấp hơn so với rau ăn lá.

Rau quả được trồng chính vụ phù hợp với điều kiện thời tiết sẽ chống chịu sâu bệnh tốt hơn do đó không cần dung nhiều thuốc. Rau quả trái vụ phải sử dụng nhiều thuốc nên nguy cơ của nó cao hơn. Mọi người cứ thấy rau quả rẻ thì không mua như thế là sai lầm, chính vì rẻ nên người ta không dại gì đầu tư thuốc BVTV nhiều, những loại rau quả giá bán cao thì hình thức cần phải đẹp thì người ta sẽ phun nhiều. Lúc chế biến, các nước khuyến cáo nên nhặt kỹ, bỏ những lá chấn thương mà mình nghi ngờ, bóc kỹ...

Ví dụ, như bắp cái bóc đi hẳn 2 lớp vỏ ngoài, su hào gọt kỹ thì nguy cơ sẽ giảm hơn nhiều. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là thực hiện ăn chín uống sôi, vì các vấn đề ATTP hiện nay trên 50% là do vi sinh vật, 25% từ các độc tố tự nhiên, chỉ có khoảng dưới 25% là do hóa chất, việc ăn chín uống sôi cũng góp phần quan trọng loại bỏ được 1 số hóa chất độc hại trong thực phẩm.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: nongnghiep.vn


Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website