Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11889044
Trực tuyến: 13

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 15545
Gửi lúc 16:09' 10/12/2012
Chất tăng trọng trong chăn nuôi: Salbutamol và Clenbuterol

(VEF.VN) - Vì hám lợi, nhiều người sẵn sàng sử dụng những chất cấm nhằm tăng trọng lượng và tăng tỷ lệ nạc... cho gia súc, gia cầm mà không màng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Hãi hùng "thần dược" tạo nạc

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về một loại hóa chất được người nuôi lợn xem như một "thần dược". Loại hóa chất này có thể biến một con lợn đang gầy gò thành một con lợn vai to, mông nở. Đặc biệt, "thần dược" đó còn có tác dụng "đánh tan" mỡ heo ở mông vai, biến mỡ thành những thớ thịt nạc dày đến tận da.

Loại hóa chất này có dạng bột màu trắng, không hề có nhãn mác, được các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y bán với giá 500.000 đồng/kg. Khi lợn nuôi được khoảng 80 - 100kg, nhiều người chăn nuôi bắt đầu sử dụng "thần dược" này để tạo độ nạc cho lợn.

Thực ra, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn xảy ra đã nhiều năm nay. Điều này cũng xuất phát từ việc người tiêu dùng không muốn sử dụng mỡ quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như nhu cầu về giảm cân. Vì vậy mà nhiều thương lái và người nuôi lạm dụng các chất cấm để tạo nạc, tăng trọng cho heo.

Theo thông tin từ Chi cục Thú y Đồng Nai, vào đầu tháng 2/2012, kết quả kiểm tra tồn dư chất cấm trong chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Thống Nhất có tới 6/6 mẫu dương tính với chất tăng trọng. Trước đó, vào tháng 12/2011, cơ quan chức năng huyện Thống Nhất cũng bắt quả tang một người vận chuyển 5kg salbutamol 98% - độc chất giúp tăng trọng gia súc - để bán cho người chăn nuôi.

Tại TP.HCM, năm 2011, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả là có đến trên 10% số mẫu nhiễm tồn dư một số loại chất cấm. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế, số liệu năm trước đó là hơn 30%.

Năm 2005, Chi cục Thú y TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện một số mẫu thịt lợn bày bán trên thị trường có độc chất clenbuterol. Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện 4/5 mẫu thức ăn tại một trường mầm non ở tỉnh Bình Thuận có chứa dược chất dexamethasone.

Mang bệnh từ thịt chứa chất tăng trọng

Loại thuốc đáp ứng nhu cầu tăng trọng nhanh cho gia súc đang được giới chăn nuôi tìm mua nhiều nhất là salbutamol, clenbuterol... Tuy nhiên, trên thế giới, các chất này đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có quyết định cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số hóa chất, kích thích tố trong đó có clenbuterol, salbutamol. Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tuyệt đối không sử dụng các chất nằm trong danh mục cấm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định.

Salbutamol, clenbuterol là hai hóa chất có tác dụng giãn phế quản, được dùng làm thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm, các chất này có tác dụng thúc cho lợn lớn nhanh hơn, mông, vai nở hơn, tỉ lệ nạc cao hơn, màu sắc thịt đỏ hơn...

Tuy nhiên, người ăn phải thịt gia súc nuôi bằng những hóa chất trên sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người sử dụng thịt lợn nuôi bằng thuốc tăng trọng sẽ có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc rất cao. Ngộ độc clenbuterol, salbutamol ở người sẽ gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, gây biến chứng ung thư... Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Đối với gia súc khi ăn phải chất này chỉ có thể tồn tại được quá nửa tháng là phải giết mổ.

Ngoài các loại "thần dược" trên, người ta cũng trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm những chất khác như kháng sinh, hoocmôn, hoàn toàn không vì lý do trị bệnh mà chỉ vì mục đích thúc cho chúng mau lớn, tăng trọng.

Mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) còn phát hiện việc lạm dụng chất ethephon (thúc chín tố) để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ tại một số tỉnh, thành. Chất này đã bị cấm sử dụng trong chế biến bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Điều đáng nói là các thương lái lại rất thích mua loại thịt có chứa chất tăng trọng vì hình thức bắt mắt, dễ bán. Có những thương lái còn đem những chất cấm trong chăn nuôi tới cho các hộ nuôi và ép họ sử dụng. Các thương lái thường ra điều kiện, nếu cho ăn chất cấm, thương lái sẽ mua cao hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với lợn nuôi thông thường. Nếu hộ chăn nuôi không sử dụng chất cấm, thương lái đe dọa không mua hoặc sẽ mua ép giá.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những loại chất tạo nạc cho lợn, người chăn nuôi không hề được hưởng lợi về trọng lượng vì quá trình tạo nạc lợn không tăng được trọng lượng, chỉ tạo ảo giác là làm cho lợn nở mông, vai, thậm chí còn giảm trọng ít nhất 5kg/con.

Trên thực tế, các chất cấm trong chăn nuôi vẫn đang được lén lút mua bán, sử dụng. Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa có sự kiểm soát chặt chẽ các khâu cả trong chăn nuôi và giết mổ. Trong khi đó, người tiêu dùng không thể phát hiện các chất trên bằng mắt thường. Chất clenbuterol chỉ có thể được phát hiện khi lấy mẫu để phân tích.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên mua loại thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nên chọn miếng thịt tươi ngon, màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi vị và màu sắc bình thường, các thớ thịt đều... Không nên mua loại thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, có màu quá đỏ và độ nạc cao một cách bất thường...

Nguồn tin: vef.vn

Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website