Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11815535
Trực tuyến: 26

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 3710
Gửi lúc 21:37' 09/12/2011
Nông nghiệp hữu cơ, nhìn từ hai hướng

Năm 1939 Huân tước Northbourne lần đầu tiên dùng từ nông nghiệp hữu cơ trong cuốn sách “Look to the land”, với quan niệm “nông trại là một cơ thể sống” (the farm as organism), để mô tả một nền nông nghiệp chỉnh thể, cân bằng sinh thái, ngược hẳn với nông nghiệp hóa học (chemical farming). Cần lưu ý chữ “cơ” ở đây là cơ thể, khác biệt với “hữu cơ” và “vô cơ” trong hóa học (organic & inorganic chemistry), thông thường để chỉ một nhóm phân tử hóa học có chứa các nguyên tố các bon hay không.
Nguồn gốc và danh xưng
“Thái quá sinh bất cập”, vào đầu thế kỷ trước, khi cuộc cách mạng xanh bùng nổ: phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, thuốc diệt cỏ… được sử dụng một cách ồ ạt, năng suất của vật nuôi, cây trồng tăng lên liên tục. Chính ngay lúc này, đã bắt đầu có những than phiền, lo lắng và đề xuất xem lại vấn đề: Thực phẩm hóa học sản xuất ào ạt như thế sẽ tốt cho sức khỏe con người như thực phẩm được canh tác tự nhiên hay ít hóa chất không? và cũng bắt đầu phát sinh những ý tưởng cổ súy cho loại thực phẩm hữu cơ, thực phẩm của sức khỏe.
Nông nghiệp hữu cơ theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là Hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc bảo quản… sản xuất từ các nhà máy hóa chất. Vì sản xuất theo cách tự nhiên, nên nền nông nghiệp hữu cơ được cho là lành mạnh, giúp giữ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như bảo đảm sức khỏe cho con người và vật nuôi.
Người ta nhấn mạnh đặc điểm hữu cơ (organic) để phân biệt với hóa học (chemical) là những thực phẩm thông dụng của chúng ta từ trước tới nay vốn sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình sản xuất, bảo quản cũng như khi chế biến. Do đó thực phẩm hữu cơ (organic foods), còn được gọi là thực phẩm thiên nhiên (natural foods) hay thực phẩm lành mạnh (healthy food).
Thực phẩm hữu cơ: Còn đó những vấn đề?
Phân loại thực phẩm hữu cơ
Người ta xếp thực phẩm hữu cơ thành 4 lớp tùy theo số phần trăm (%) thành phần hữu cơ trong đó:
(1) “Hữu cơ hoàn toàn” (100% organic): không thêm một chất nào khác.
(2) “Hữu cơ” (Organic): có trên 95% hữu cơ.
(3) “Sản xuất với thành phần hữu cơ” (Made with organic ingredients): có ít nhất 70% hữu cơ.
(4) “Có thành phần hữu cơ” (Some organic ingredients): dưới 70% hữu cơ.
Chất lượng và độ an toàn hơn của thực phẩm hữu cơ?
- Nếu chỉ nhìn về nguồn gốc và cách sản xuất, thực phẩm hữu cơ sẽ đạt nhiều tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn hơn thực phẩm thông thường. Nhưng trên thực tế thị trường, thực phẩm hữu cơ vì không dùng chất bảo quản nên hình thức không bắt mắt, dễ hư hỏng. Cần lưu ý chính quá trình hư hỏng lại sản sinh rất nhiều chất độc có hại cho sức khỏe con người, những bệnh do thức ăn nhiễm độc (food-borne diseases).
- Thuốc bảo vệ thực vật cũng là “con dao hai lưỡi”: nếu sử dụng đúng chúng sẽ ngăn ngừa nhiều loại vi trùng, ký sinh trùng, nấm… gây hại cho sức khỏe; nhưng nếu dùng sai dùng quá liều thì chính dư lượng thuốc trong thức ăn lại gây độc cho người sử dụng.
Thực phẩm hữu cơ có giàu dinh dưỡng?
Tháng tư, 2009, kết quả từ QLIF (Quality Low Input Food), một công trình nghiên cứu khoa học 5 năm của EU, cho thấy có khác biệt đáng kể giữa thực phẩm hữu cơ và truyền thống: (1) chất dinh dưỡng cần thiết như các vitamin, chất chống ô-xy hóa, omega-3, CLA, a-xít béo nhiều nối đôi (PUFA)… cao hơn; (2) chất có hại như kim loại nặng, độc tố của nấm mốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… giảm thấp và (3) ít nguy cơ lây vi khuẩn salmonella từ phân.
Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu khác không đưa ra chứng liệu, bằng cớ chính thống nào chứng minh thực phẩm hữu cơ có giá trị dinh dưỡng hơn thực phẩm thông thường.
Ngay ở Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp (USDA), cơ quan cấp nhãn chứng nhận, cũng không khẳng định thực phẩm hữu cơ là an toàn và dinh dưỡng.
Thực phẩm hữu cơ giá thường đắt:
Do kiểu canh tác hữu cơ luôn tốn nhân công, thất thoát trong bảo quản và xử lý giống nhiều, sản lượng thường thấp… nên giá thành phẩm luôn luôn cao hơn, thậm chí có sản phẩm cao gấp rưỡi hay gấp đôi, gấp ba… thực phẩm truyền thống cùng loại. Đây chính là một yếu thế lớn nhất, khiến người nông dân không mặn mà lắm với canh tác hữu cơ.
Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Lúc đầu thực phẩm hữu cơ chỉ chiếm từ 1-2% lượng bán ra trên thế giới. Những chợ thực phẩm hữu cơ đang trên đà phát triển nhảy vọt ở cả các nước đã và đang phát triển. Các chợ thực phẩm hữu cơ tăng liên tục trung bình 20% có quốc gia tăng đến 50% mỗi năm. Ở Việt Nam chúng ta gần đây cũng đã thấy nhiều thực phẩm hữu cơ trong siêu thị ở các thành phố lớn.
Doanh số thực phẩm hữu cơ cũng tăng trưởng không ngừng, năm 2002 doanh số mới chỉ 23 tỉ USD, năm 2006 lên 40 tỉ và đến năm 2008 nhảy vọt lên 52 tỉ đô la.
Nông nghiệp hữu cơ hiện nay đã được ứng dụng ở hơn 120 nước trên thế giới; bắt đầu từ Mỹ và các nước châu Âu và hiện nay đang phát triển nhanh tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Mỹ La tinh. Tại Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân cũng đã triển khai thử nghiệm phương pháp canh tác hữu cơ với các cây lúa, rau, cam, vải và cá nước ngọt ở Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Phòng…
Hai vấn đề nổi cộm:
Về năng suất và số lượng:
Canh tác hữu cơ với kiểu tự nhiên như thế có đảm bảo sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho dân số thế giới đang tăng không?
Từ lúc khởi đầu nhiều người xem đây là nhóm thực phẩm xa xỉ dành cho giới trung và thượng lưu - nhiều tiền, muốn tối ưu chất lượng sống; nhưng dần dà nhiều nhà khoa học uy tín lại nhận thấy chính nông nghiệp hữu cơ với việc sản xuất thân thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm… về lâu về dài cũng góp phần hạn chế đói nghèo. Tại hội nghị của WHO về “Nông nghiệp hữu cơ và an ninh lương thực” diễn ra ở Roma (Italia) năm 2007 các chuyên gia của các trung tâm nghiên cứu cho thấy khi quay về phương thức canh tác hữu cơ thì nông dân sẽ tiết kiệm được tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cùng lúc với việc đa dạng mùa vụ, xuất khẩu cũng được giá và bền vững tương lai hơn. Tổ chức lương nông thế giới (FAO) cũng nhận định nông nghiệp hữu cơ có khả năng cung cấp đủ lương thực nuôi sống dân số trên thế giới hiện nay.
Về tính ưu việt của “hữu cơ” so với thực phẩm “hóa học”:
Ai cũng chấp nhận thực phẩm hữu cơ là vệ sinh, an toàn cho con người. Nhưng lợi ích về dinh dưỡng vẫn còn nhiều bàn cãi. Nhiều người, kể cả nhà chuyên môn, cho rằng thực phẩm hữu cơ và thực phẩm hóa học giá trị dinh dưỡng ngang nhau. Ngài John Krebs, chủ tịch Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (Food Standard Agency) cho rằng “chưa có chứng cớ khoa học rõ ràng để chứng minh thực phẩm hữu cơ tốt hơn thực phẩm hóa chất truyền thống”. Các nghiên cứu dài hơi cả chục năm liên tục của nhiều viện khoa học nông nghiệp ở Anh và Mỹ đều cho kết luận là “không có gì khác biệt” giữa hai loại thực phẩm nói trên.
Tóm lại thực phẩm hữu cơ tuy vệ sinh, ít ô nhiễm và thân thiện môi trường nhưng cũng có những tồn tại như: giá đắt hơn, sản lượng ít hơn, dễ hư hao thối hỏng hơn và canh tác kiểu hữu cơ, tự nhiên này nông dân vất vả và bị động hơn,
Cả hai nhóm thực phẩm nếu được sản xuất, chế biến theo “đúng quy trình” đều tốt cho con người cả; do đó cuộc tranh luận “hữu cơ hay hóa chất tốt” còn lâu mới đến hồi kết thúc và chúng ta cũng không nên quá vội vã “sổ toẹt” thực phẩm thông dụng.
Người tiêu dùng, có quyền chọn lựa thức ăn theo sở thích, cảm quan và theo túi tiền riêng của mình.
ksvdc
Theo Báo Nông nghiệp


Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website