CôngThương - Mục tiêu chung của đề án nhằm phát triển ngành công nghiệp môi trường thành một ngành công nghiệp có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường; xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015 sẽ xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường; phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường; tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ môi trường đủ năng lực đáp ứng cơ bản nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đến năm 2025 sẽ phát triển ngành công nghiệp môi trường thành ngành có đóng góp quan trọng trong cơ cấu phát triển công nghiệp Việt Nam; phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao về môi trường có khả năng giải quyết hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên.
Sau hơn 2 năm thực hiện, đề án được chia làm 5 dự án thành phần, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện 3 dự án. Trong đó, dự án số 2 về “Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghệ môi trường” thực hiện đến năm 2015 được quản lý tương đương như chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước. Để tổ chức thực hiện chương trình này, thời gian qua, Vụ Khoa học - Công nghệ đã chủ trì xây dựng định hướng, ưu tiên nghiên cứu cho giai đoạn đến năm 2015 và từ năm 2016 đến 2025, làm cơ sở hướng dẫn đề xuất nội dung tham gia chương trình hàng năm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quy chế tuyển chọn, xét chọn đối tượng chủ trì thực hiện các đề tài theo Quyết định số 2693/QĐ-BCT. Cụ thể: Năm 2010, tuyển chọn và giao cho các cá nhân, tổ chức thực hiện 4 đề tài và 1 dự án sản xuất thử nghiệm với tổng kinh phí 7,835 tỷ đồng. Các nhiệm vụ đang được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ. Năm 2011, tuyển chọn và giao cho các cá nhân, tổ chức thực hiện 11 đề tài, với tổng kinh phí 18,630 tỷ đồng trong 2 năm. Năm 2012, Vụ Khoa học - Công nghệ đã trình Bộ Công Thương phê duyệt tên và nội dung 9 đề tài và 3 dự án sản xuất thử nghiệm đăng lên mạng và báo chí để tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện.
Đối với dự án số 4 “Hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường” giao cho Cục An toàn Môi trường chủ trì thực hiện. Kết quả rất ấn tượng. Cục đã kết hợp cùng một số chuyên gia đầu ngành thực hiện nhiệm vụ, tổ chức hội thảo tham vấn nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Cục cũng đưa ra 14 dự án thành phần thực hiện trong những năm tiếp theo nhằm hoàn thiện tổ chức, cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường. Bên cạnh đó, dự án số 1 “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đã được giao Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp thực hiện trong 2 năm (từ năm 2010 đến nay). Bước đầu dự án đã đưa ra quy hoạch phát triển ngành và nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực, nhưng tiến độ thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu chung.
Qua 2 năm thực hiện, các dự án do Bộ Công Thương chủ trì đã và đang được triển khai theo đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, một số dự án cần đẩy nhanh tiến độ. Thời gian tới, các đơn vị được giao cần nhanh chóng tập trung nhân lực, vật lực để hoàn thành đúng và vượt tiến độ, đảm bảo các yêu cầu Bộ giao.
Hải Nam - baocongthuong.com.vn