Sau hơn một năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã triển khai một khối lượng công việc lớn và bước đầu tạo chuyển biến về nhận thức trong cả nước về động lực tái cơ cấu ngành. Nhiều lĩnh vực, địa phương đã có những bước đi cụ thể. Các nguồn lực được tập trung hơn cho những lĩnh vực, sản phẩm chính như lúa gạo, tôm, cá tra, cà phê…Từ đó, thúc đẩy những cây trồng, vật nuôi có lợi thế của cả nước, địa phương phát triển mạnh hơn.
Năm 2014, có thể xem là năm được mùa, được giá của ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27% và cao hơn nhiều so với năm 2013 là 2,64%. Tổng sản lượng lúa cả nước đạt kỷ lục 45 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 31 tỷ USD (tăng 11,2%) cũng là con số kỷ lục từ trước tới nay. Đến nay, có 10 mặt hàng trong ngành xuất khẩu trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, tiêu điều, tôm, cá tra, lâm sản…Tính ra, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu 9,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong tổ chức sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập cần tháo gỡ. Nông dân đã rất cố gắng, làm ăn giỏi, năng suất cao, nhưng nhiều nơi việc cung ứng các vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi…) chất lượng chưa bảo đảm, trong khi khâu liên kết, bao tiêu đầu ra chưa tổ chức tốt, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao.
Do vậy, chúng tôi đã xác định trọng tâm là “làm mạnh” để cải thiện chất vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới. Từ đó, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản. Bộ cũng xác định khâu đột phá là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN vào sản xuất, xây dựng cơ chế chính sách để đưa ứng dụng KHCN vào thực tế.
Trong giai đoạn phát triển mới, doanh nghiệp đóng một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết với nông dân. Trong thực tế, lực lượng có thể tiếp cận và dẫn dắt theo thị trường là doanh nghiệp. Do vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp để nông nghiệp gắn kết với thị trường chặt chẽ hơn. Vừa rồi, Quốc hội cũng thông qua Luật về thuế, với chủ trương ưu đãi các DN đầu tư vào nông nghiệp.
Đồng hành cùng đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổng rà soát lại các quy định, thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn, sửa đổi cho phù hợp và bỏ những quy định bất hợp lý. Bộ cũng rà soát các thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan xuất nhập khẩu; ứng dụng tin học để đẩy nhanh xử lý công việc, bớt đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Nông nghiệp nước ta còn nhiều dư địa để phát triển. Hiện chúng ta đang phải kiềm chế tăng số lượng gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu và cá tra để tập trung vào chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng. Với cùng số lượng, nhưng chúng ta chế biến sâu, chắc chắn con số sẽ cao hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu gần 31 tỷ USD của năm 2014.