Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11814874
Trực tuyến: 31

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 4685
Gửi lúc 13:56' 31/07/2012
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn lượng hóa giá trị tài nguyên, môi trường ở Việt Nam

Lượng giá tài nguyên, môi trường là quá trình phân tích, đánh giá các giá trị về mặt lý-hóa-sinh của các thành phần tài nguyên, môi trường và quy đổi các giá trị này sang đơn vị tiền tệ. Kết quả của lượng giá là các thông tin về giá trị tài nguyên, môi trường bằng đơn vị tiền tệ nhằm giúp cho quá trình hoạch định chính sách.

Các kết quả của việc lượng giá tài nguyên, môi trường ngày càng trở thành một yếu tố đầu vào quan trọng cho việc hoạch định chính sách tài nguyên, môi trường, ở Việt Nam, lượng giá tài nguyên-môi trường là một môn khoa học khá non trẻ và mới được thực hiện trong thời gian gần đây. Bài viết này điểm lại một số cơ sở lý luận và thực tiễn của các phương pháp lượng giá tài nguyên, môi trường, từ đó đúc rút một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm đẩy mạnh áp dụng lượng giá tài nguyên, môi trường trong thời gian tới.

1. Một số vấn đề lý luận
1.1 Vai trò của lượng hóa giá trị tài nguyên, môi trường trong công tác quản lý
Lượng hóa giá trị tài nguyên, môi trường (hay còn gọi tắt là lượng giá) được tiến hành từ những năm 1970 và ngày càng trở nên phổ biến ở các nước phát triển nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường. Lượng giá tài nguyên, môi trường là quá trình phân tích, đánh giá các giá trị về mặt lý - hóa - sinh của các thành phần tài nguyên, môi trường và quy đổi các giá trị này sang đơn vị tiền tệ. Kết quả của lượng giá là các thông tin về giá trị tài nguyên, môi trường bằng đơn vị tiền tệ nhằm giúp cho quá trình hoạch định chính sách. Các kết quả của việc lượng giá tài nguyên, môi trường ngày càng trở thành một yếu tố đầu vào quan trọng cho việc hoạch định chính sách tài nguyên, môi trường với những lý do: Thứ nhất, thông tin lượng giá giúp cho các nhà quản lý tính toán được lợi ích và chi phí của các phương án sử dụng tài nguyên khác nhau, từ đó lựa chọn được phương án phân bổ tài nguyên thích hợp, mang lại lợi ích lớn nhất cho xã hội và cộng đồng; Thứ hai, việc lượng giá giúp cho việc lý giải các hạng mục đầu tư cho bảo tồn vì lợi ích chung của xã hội vì nó cho biết lợi ích bằng tiền của công tác bảo tồn; Thứ ba, qua việc cung cấp thông tin về giá trị các dòng lợi ích của môi trường, lượng giá hỗ trợ quá trình triển khai cơ chế chi trả cho các dịch vụ môi trường; Thứ tư, lượng giá tài nguyên, môi trường sẽ giúp cho quá trình hoạch định chính sách về các vấn đề phát triển, cụ thể là lựa chọn phương án bảo tồn hay thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong những bối cảnh cụ thể. Ngoài ra, thông tin kinh tế về giá trị tài nguyên, môi trường cũng giúp xác định được mức thiệt hại khi có sự cố ô nhiễm, suy thoái tài nguyên, môi trường.

1.2. Các phương pháp lượng giá tài nguyên, môi trường
Dựa trên cơ sở lý thuyết kinh tế vi mô, các nhà kinh tế học đã phát triển các phương pháp lượng giá tài nguyên, môi trường. Có thể chia các phương pháp lượng giá thành 4 nhóm sau đây:
- Các phương pháp dựa vào thị trường thực
- Các phương pháp dựa vào thị trường thay thế
- Các phương pháp dựa vào thị trường giả định
- Phương pháp chuyển giao giá trị
1.2.1.Các phương pháp dựa vào thị trường thực
Phương pháp giá thị trường (MP)
Phương pháp giá thị trường ước tính giá trị kinh tế của các thành phần tài nguyên, môi trường được trao đổi, mua bán trên thị trường. Ưu điểm chính của phương pháp này là dễ thu thập số liệu và dễ tính toán. Nhược điểm chính của phương pháp này là không tính toán được nhiều giá trị tài nguyên, môi trường không được trao đổi, mua bán trên thị trường, ví dụ như giá trị về cảnh quan, giá trị đa dạng sinh học.
Phương pháp chi phí thay thế (RC)
Phương pháp chi phí thay thế ước lượng giá trị của các dịch vụ sinh thái gần giống với chi phí để cung ứng hàng hóa và dịch vụ tương đương do con người tạo ra.
Phương pháp chi phí thiệt hại tránh được (AC)
Phương pháp chi phí thiệt hại tránh được sử dụng thông tin về những thiệt hại có thể tránh được hoặc giá trị của những tài sản được hệ sinh thái bảo vệ khi có sự cố môi trường xảy ra. Ví dụ, nếu một khu rừng có khả năng phòng hộ bão cho cộng đồng thì giá trị của khu rừng đó có thể được tính bằng những thiệt hại về tài sản mà cộng đồng tránh được nếu cơn bão xảy ra trong trường hợp không có rừng bảo vệ.
1.2.2.Các phương pháp dựa vào thị trường thay thế
Có một số hàng hóa và dịch vụ của tài nguyên, môi trường mặc dù được giao dịch trên thị trường nhưng giá thị trường không phản ánh đầy đủ giá trị của các hàng hóa và dịch vụ này. Khi đó, người ta phải xác định giá trị của hàng hóa, dịch vụ mà tài nguyên và môi trường đó cung cấp dựa vào việc phân tích thông tin trên thị trường thay thế. Có hai phương pháp truyền thống thuộc nhóm này là chi phí du lịch và giá trị hưởng thụ.
Phương pháp chi phí du lịch (TCM) Chi phí du lịch là phương pháp được thiết kế và áp dụng để lượng hóa giá trị giải trí của môi trường và các hệ sinh thái. Giả thiết cơ bản của TCM là chi phí tham quan một điểm du lịch phần nào phản ánh được giá trị giải trí của nơi đó (Garrod and Willis 1999). Mặc dù không quan sát trực tiếp được sự mua bán chất lượng hàng hóa môi trường của du khách nhưng chúng ta có thể thu nhận được thông tin về hành vi lựa chọn của du khách để hưởng thụ tài nguyên, môi trường. Thông qua việc ước lượng đường cầu du lịch cá nhân, các nhà kinh tế học có thể ước tính phần phúc lợi của cá nhân hay xã hội thu được từ việc sử dụng tài nguyên, môi trường.
Phương pháp giá trị hưởng thụ (HPM)
Phương pháp giá trị hưởng thụ được sử dụng để ước tính giá trị của môi trường ẩn trong giá thị trường của một số loại hàng hóa và dịch vụ thông thường. Ví dụ như thông qua phân tích sự khác biệt giữa giá đất/nhà ở khu vực có dịch vụ sinh thái và các khu vực khác, ta có thể ước tính được giá trị của dịch vụ sinh thái đó mang lại.
1.2.3. Các phương pháp dựa vào thị trường giả định
Với những hàng hóa và dịch vụ của tài nguyên, môi trường không có thị trường và không có giá cả, các nhà nghiên cứu phải xây dựng các thị trường giả định và quan sát hành vi của cá nhân trên các thị trường này để tính phúc lợi khi tham gia thị trường, từ đó ước tính giá trị của các hàng hóa và dịch vụ môi trường. Nhóm phương pháp này thường được sử dụng để xác định các giá trị phi sử dụng của tài nguyên, môi trường.
Phương pháp đánh giá phụ thuộc tình huống giả định (CVM)
Trong CVM, các kịch bản giả định về chất lượng tài nguyên, môi trường được sử dụng để nghiên cứu hành vi và sự lựa chọn tiêu dùng của cá nhân, qua đó ước lượng được sự thay đổi trong phúc lợi của cá nhân khi chất lượng môi trường thay đổi và tính được thặng dư tiêu dùng của cá nhân khi tham gia thị trường giả định. CVM có thể ước tính được những giá trị tài nguyên, môi trường không có giao dịch trên thị trường, ví dụ như giá trị về đa dạng sinh học, giá trị văn hóa, sức khỏe. Tuy nhiên, để có được kết quả đáng tin cậy, CVM đòi hỏi nhiều công phu trong thiết kế kịch bản và phân tích mô hình.
Phương pháp mô hình lựa chọn (CM)
Mô hình lựa chọn là phương pháp lượng giá thông qua tuyên bố về sở thích được sử dụng để lượng hóa giá trị phi sử dụng của tài nguyên thông qua việc xây dựng hai hay nhiều kịch bản giả định, mỗi kịch bản có nhiều thuộc tính khác nhau. Thông qua sự lựa chọn của cá nhân với từng kịch bản, nhà nghiên cứu có thể ước lượng được phúc lợi cá nhân khi tham gia kịch bản và sự đánh đổi về giá tri giữa các thuộc tính trong các kịch bản. Cũng giống với CVM, CM có thể ước tính được các giá trị tài nguyên, môi trường không được giao dịch trên thị trường. Ưu điểm của CM so với CVM là CM có thể tạo ra kết quả với độ chính xác cao hơn. Tuy nhiên, CM cũng đòi hỏi nhiều công phu trong thiết kế bảng hỏi và đặc biệt là phân tích số liệu.
1.2.4. Phương pháp chuyển giao giá trị
Phương pháp chuyển giao giá trị là việc sử dụng kết quả lượng hóa giá trị của một địa điểm nghiên cứu sang một địa điểm khác. Phương pháp này sử dụng cho những tài nguyên có đặc điểm sinh thái tương tự như nhau, đặc biệt là trong bối cảnh cần số liệu gấp mà không đủ thời gian và kinh phí để tiến hành nghiên cứu mới. Tuy nhiên, khi thực hiện phương pháp này cần lưu ý đến độ chính xác của nghiên cứu trước đây, cũng như những biến động về mặt không gian và thời gian giữa hai nghiên cứu.
2. Thực tiễn lượng giá tài nguyên, môi trường ở Việt Nam
Ở Việt Nam, lượng giá tài nguyên, môi trường là một môn khoa học khá non trẻ và mới được thực hiện trong thời gian gần đây. Đã có một số nghiên cứu áp dụng các phương pháp lượng giá. Tác giả Mai Trọng Nhuận và các cộng sự (2000) sử dụng phương pháp giá thị trường để đánh giá giá trị kinh tế của một số vùng đất ngập nước ven biển Việt Nam. Cũng sử dụng phương pháp này, tác giả Đỗ Nam Thắng và Jeff Bennett (2005) đã tính toán giá trị sử dụng trực tiếp của tài nguyên đất ngập nước Đồng bằng sông Cửu Long. Tác giả Lê Thu Hoa và các cộng sự (2006) sử dụng kỹ thuật giá thị trường để tính toán giá trị nuôi tôm tại Xuân Thủy, Nam Định. Có thể nói, MP là phương pháp lượng hóa giá trị môi trường được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay.
Gần đây, một số phương pháp thị trường thay thế và thị trường giả định cũng bắt đầu được áp dụng thử nghiệm. Có thể kể đến nghiên cứu của Nguyễn Đức Thành và Lê Thị Hải (1997) về giá trị du lịch của Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương sử dụng TCM; Phạm Khánh Nam và Trần Võ Hùng Sơn (2005) về giá trị của tài nguyên nước ở thành phố Hồ Chí Minh; Đinh Đức Trường (2010) về giá trị đất ngập nước Xuân Thủy. Đặc biệt, phương pháp lượng giá phức tạp nhất-phương pháp CM - cũng đã được thực hiện trong nghiên cứu của Trần Hữu Tuấn (2007) để xác định giá trị khu di tích Mỹ Sơn; Đỗ Nam Thắng (2008) để xác định giá trị bảo tồn ở Tràm Chim.
Mới đây nhất, Viện Khoa học quản lý môi trường - Tổng cục Môi trường đã thực hiện Đề tài khoa học công nghệ "Xây dựng cơ sở khoa học và phương pháp luận lượng hóa giá trị kinh tế các VQG phục vụ công tác quản lý và phát triển bền vững" với mục tiêu làm rõ cơ sở khả năng áp dụng phương pháp lượng giá tài nguyên, môi trường ở Việt Nam (Đỗ Nam Thắng và cộng sự 2010). Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của một số nghiên cứu trong và ngoài nước, Đề tài đã xây dựng quy trình lượng giá và áp dụng thử nghiệm cho Tam Đảo. Giá trị của VQG Tam Đảo được ước tính trong năm 2010 là 11.665 tỷ đồng cho toàn VQG và 333 triệu đồng cho 1 hecta. Giá trị sử dụng gián tiếp là 73,09 triệu đồng/ha. Giá trị phi sử dụng là 32,63 triệu đồng/ha. Trong các giá trị sử dụng của VQG Tam Đảo, giá trị sử dụng trực tiếp là lớn nhất (227 triệu đồng/ha; chiếm 68,28%) trong đó chủ yếu là giá trị gỗ. Tiếp đó là giá trị sử dụng gián tiếp (73 triệu đồng/ha; chiếm 21,93%) và giá trị phi sử dụng là thấp nhất (33 triệu đồng/ha, chiếm 9,79%) (Hình 2).

3. Một số bài học về lượng giá tài nguyên, môi trường
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, tác giả Đỗ Nam Thắng và cộng sự (2010) đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về lượng hóa giá trị kinh tế của tài nguyên, môi trường như sau:
Thứ nhất, lượng giá tài nguyên, môi trường đòi hỏi khối lượng lớn thông tin nền về các điều kiện tự nhiên, môi trường, kinh tế, xã hội. Đây là khó khăn không những ở Việt Nam mà ngay cả ở các quốc gia phát triển. Để có được thông tin nền này cần có các điều tra cơ bản và hệ cơ sở dữ liệu đầy đủ về tài nguyên, môi trường, đặc biệt là số liệu biến động qua các năm để so sánh được sự thay đổi về chất lượng môi trường cũng như thay đổi về các giá trị kinh tế.
Thứ hai, trên thực tế rất khó có được số liệu nền đầy đủ. Vì vậy, thông thường khó có thể lượng hóa được giá trị kinh tế tổng thể của tài nguyên, môi trường. Các nghiên cứu mặc dù áp dụng cách tiếp cận giá trị tổng thể song cần nêu rõ những giá trị nào lượng hóa được và những giá trị nào không lượng hóa được trong phạm vi nghiên cứu của mình.
Thứ ba, để tiến hành lượng giá tài nguyên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia về sinh thái, chuyên gia kinh tế môi trường và các nhà quản lý. Chuyên gia sinh thái giúp xác định số liệu nền của tài nguyên về sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học. Trên cơ sở này, các chuyên gia kinh tế môi trường sẽ dùng các phương pháp, mô hình kinh tế để lượng hóa các giá trị. Vai trò của nhà quản lý cũng rất quan trọng trong việc đưa ra các mục tiêu quản lý cần đạt được, các khó khăn tồn tại trong việc quản lý tài nguyên, môi trường để từ đó các chuyên gia kinh tế môi trường thiết kế các kịch bản quản lý nhằm lượng hóa các giá trị của tài nguyên, môi trường.
Thứ tư, việc lựa chọn phương pháp lượng giá tài nguyên, môi trường cần dựa vào một số tiêu chí như mục tiêu lượng giá, các giá trị cần lượng giá, nguồn lực sẵn có về chuyên gia, thời gian, kinh phí. Cũng nên lưu ý rằng không phải lúc nào cũng cần tiến hành công tác lượng giá, vì lượng giá thường đỏi hỏi nhiều chi phí. Nếu chi phí cần phải dành để lượng giá cao hơn lợi ích mà thông tin lượng giá đem lại thì cũng nên cân nhắc không cần thiết phải lượng giá.
Thứ năm, việc áp dụng các phương pháp phi thị trường để lượng hóa các giá trị phi sử dụng mặc dù đã được các nhà khoa học trên thế giới công nhận về cơ sở lý luận song vẫn còn gây tranh cãi về tính chính xác. Nhóm phương pháp này có một số nhược điểm như có thể có sai lệch do tính giả định của các kịch bản song đến nay không có phương pháp nào khả thi hơn giúp lượng hóa giá trị phi sử dụng. Vì vậy, vẫn cần áp dụng phương pháp phân tích phi thị trường trong lượng hóa giá trị phi sử dụng. Điểm quan trọng là cần tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu về quy trình tiến hành các phương pháp này để giảm thiểu tối đa các sai lệch có thể xảy ra.
Tóm lại, mặc dù là một môn khoa học khá mới mẻ ở Việt Nam, lượng giá tài nguyên, môi trường đã được áp dụng thành công và bước đầu chứng tỏ tiềm năng hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường. Để có được kết quả tin cậy của lượng giá tài nguyên, môi trường, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà kinh tế học, sinh thái học và quản lý trong thiết kế nghiên cứu, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy trình lượng giá và lựa chọn phương pháp thích hợp trong quá trình thực hiện. Trong thời gian tới, cần có nhiều nghiên cứu hơn về lượng giá tài nguyên, môi trường để tiếp tục hoàn thiện phương pháp luận và đóng góp cho công tác bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên, môi trường của nước ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Do Nam Thang and JeffBennett 2005. Estimating Direct Use Values of Wetlands: a case study in Camau- Vietnam, Occasional Paper 08, Environmental Management and Development, Australian National University, Canberra, Australia.
2. Do Nam Thang 2008. Impacts of Altemative Dyke Management Strategies on Wetland Values in Vietnams Mekong River Delta, Doctoral Thesis, Australian National University, Canberra.
3. Đỗ Nam Thắng và cộng sự (2010). Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ "Xây dựng cơ sở khoa học và phương pháp luận lượng hóa giá trị kinh tế các vườn quốc gia phục vụ công tác quản lý và phát triển bền vững", Bộ Tài nguyên và Môi trưởng.
4. Đinh Đức Trưởng (2010), Đánh giá giá trị kinh tế phục vụ quản lý tài nguyên ĐNN - áp dụng tại vùng ĐNN cửa sông Ba Lạt, tỉnh Nam Định, Luận án Tiến sĩ kinh tế. Hà Nội, 2010.
5. Garrod, G. and Willis, K.G., 1999. Economic Valuation of the Environment: methods and case studies, Echvard Elgar, Chel-tenham, UK.
6. Lê Thu Hoa, Ngô Thanh Mai, Nguyễn Diệu Hằng (2006), Đánh giá lợi ích của hoạt động nuôi tôm tại Giao Thủy, Nam Định, Chương trình Kinh tế môi trường Đông Nam Á (EEPSEA).
7. Mai Trọng Nhuận, Nguyễn Hữu Ninh, Trần Hồng Hà và Đỗ Đình Sâm, (2000), Đánh giá giá trị kinh tế của một số các điểm trình diễn ĐNN tại Việt Nam. Dự án Bảo vệ môi trường biển Đông do Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, Hà Nội.
8.Nguyễn Đức Thành và Lê Thị Hải (1997), Ước lượng giá trị giải trí của Vườn quốc gia Cúc Phương sử dụng phương pháp chi phí du lịch, Tập san các nghiên cứu kinh tế môi trường, Chương trình kinh tế môi trường Đông Nam Ả (EEPSEA).
9. Pham Khanh Nam and Tran Vo Hung Son, 2005. "Willingness to pay for water supply in Ho Chi Minh city", EEPSEA report, Singapore.
TS. Đỗ Nam Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Khoa học quản lý môi trường, Tổng cục Môi trường
TCMT 04/2012

Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website