Cộng đồng bức xúc vì ô nhiễm môi trường

Ngày 10/1, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững đã tổ chức buổi gặp gỡ các cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do các dự án công nghiệp.

Đại diện các cộng đồng từ các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hải Phòng, Thanh Hóa, đã chia sẻ những bức xúc về ô nhiễm môi trường, sự tắc trách về quản lý môi trường của cán bộ ở địa phương…

Cộng đồng bức xúc

Các cộng đồng hiện nay thực sự đang phải chịu hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường và sinh kế do các hoạt động chôn lấp chất thải trái phép, các dự án nhiệt điện than và di dân tái định cư. Những quy định, chính sách của nhà nước, trách nhiệm của lãnh đạo các nhà máy, công ty nhiệt điện… không được thực hiện nghiêm túc.

Cá nhỏ làm thức ăn nuôi cá lồng bè là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tại Hải Phòng, hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn nghiệm trọng cho người dân khu vực này. Theo phản ánh từ người dân, tiếng ồn do Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng phát ra liên tục, có lúc rít lên như máy bay phản lực, nghe rõ hơn vào ban đêm; khói bụi xả ra có mùi khó chịu, gây buồn ngủ và mắc các bệnh về mắt.

Theo ông Lại Hồ Luận, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, từ khi có Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, đơn thư khiếu kiện bắt đầu xuất hiện và tình trạng đơn thư năm nay qua năm khác chạy vòng quanh, vẫn không được giải quyết thấu đáo. Người dân xung quanh nhà máy này thường nói to do phải sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn.

Hiện trạng môi trường hiện nay ở địa phương có đảm bảo các điều kiện sức khỏe hay không chỉ có nhà khoa học mới xác định được. Bằng mắt thường, người dân nhìn thấy ô nhiễm bụi, khói, môi trường nước là có thật. Xung quanh chuyện đơn thư khiếu kiện cho thấy, người dân đang thiếu kiến thức pháp luật, thông tin về các dự án không minh bạch, cán bộ nhà nước lạm dụng quyền hạn ban hành các văn bản cưỡng chế.

Tại Sơn La, người dân bản tái định cư Củ Pe, huyện Mai Sơn đang trong tình trạng bế tắc về sinh kế do không có đất sản xuất và không có việc làm. Đất sản xuất được giao đã góp hết cho Công ty cổ phần Cao su Sơn La ngay từ khi chưa được nhận đất, chưa có sổ đỏ. Từ năm 2014, người dân không có nguồn thu nào từ cây cao su.

Theo Trưởng bản Củ Pe Lò Văn Đại, ngoài số tiền bảo hiểm mà Công ty cổ phần Cao su Sơn La bỏ ra, người dân phải đóng thêm 200.000 đồng/tháng, nếu tính ra mỗi tháng đi làm được 4-5 ngày, mỗi ngày chỉ nhận được 30.000-50.000 đồng, coi như đi làm không công, thậm chí nhiều người còn âm tiền bảo hiểm.

Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) đã chôn lấp hàng ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật hết hạn xuống lòng đất ngay tại cơ sở hoạt động của Công ty, trên địa bàn các xã Cẩm Vân, Cẩm Thủy trong suốt hơn 10 năm qua, gây ra nhiều hậu quả đau lòng đối với hơn 20.000 người dân sống quanh khu vực nhà máy.

Song theo những thông tin đã công khai tại trung thông tin của UBND tỉnh Thanh Hóa và thông tin từ phía người dân, việc xử lý ô nhiễm môi trường của Công ty mới chỉ được tiến hành trong phạm vi khuôn viên Công ty. Việc xử lý như vậy không thể đảm bảo xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Công ty này đã gây ra. Trên thực tế, nhiều người dân sinh sống ở các vùng có vị trí thấp hơn khu vực sản xuất của Công ty mắc các bệnh hiểm nghèo.

Ông Lê Đình Sơn, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (cách Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái gần 1 km) cho rằng, người dân gửi đơn kiến nghị về tình trạng xả thải của Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ, đơn được gửi đến nhiều địa chỉ nhưng chưa có kết quả.

Cũng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của vùng ô nhiễm môi trường này, ông Cáp Văn Quân, xã Yên Lâm, huyện Yên Định cho biết thêm, dư lượng thuốc trừ sâu ngấm xuống lòng đất đã từ lâu, gây bệnh hiểm nghèo cho người dân. Dự án nước sạch ở địa phương đang được triển khai nhưng theo người dân có nước sạch chưa đủ để giải quyết môi trường sống cho người dân.

Bên cạnh đó, một trường hợp gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua là trường hợp sản phụ Phạm Thị Hiền và con đã tử vong khi sinh nở tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Yên Bái ngày 7/11/2016. Vấn đề không chỉ nằm ở hậu quả mà còn là trách nhiệm của các cán bộ tại đây. Anh Phạm Chí Mạnh (xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), cháu ruột sản phụ Phạm Thị Hiền bức xúc cho rằng các bác sỹ, y tá đã không làm tròn trách nhiệm cấp cứu cho bệnh nhân, thậm chí có dấu hiệu đùn đẩy, chậm trễ về thời gian cứu chữa và chuyển viện. Anh Mạnh cho biết, để đi lấy bình ôxi cho sản phụ phải mất tới 50 phút, từ khi bác sĩ ký giấy chuyển viện đến khi bệnh nhân được lên xe ô tô chuyển viện mất tới hơn 2 giờ, tại sao không mổ gấp để cứu mẹ hoặc con, Phó Giám đốc bệnh viện và Trưởng khoa đùn đẩy trách nhiệm, không muốn đi cùng bệnh nhân khi chuyển viện…

Đồng hành cùng người dân

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững Đặng Đình Bách nhận xét, buổi gặp gỡ cộng đồng là một bước tiến mới trong việc hỗ trợ người dân về mặt pháp lý của Trung tâm, hướng đến tạo cho người dân tâm lý chủ động lên tiếng và tìm kiếm sự trợ giúp khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.

Theo ông Bách, lấy cộng đồng cư dân là trung tâm, lấy câu chuyện của người dân là thật, Trung tâm tổ chức các buổi gặp gỡ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, xây dựng các chương trình cộng đồng để thu thập, cùng chia sẻ thông tin về đòi bồi thường thiệt hại, tư vấn pháp lý, khởi kiện hành chính, tạo ra sự kết nối giữa các cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng hợp tác.

Người dân đang mong muốn các bên có trách nhiệm giải quyết các vướng mắc hiện tại. Cụ thể, người dân xung quanh khu vực hoạt động của hai Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 đề nghị di dời nhà trẻ đến khu vực không bị ô nhiễm, đảm bảo sinh kế ở khu tái định cư. Công ty cổ phẩn Nicotex Thanh Thái đền bù thiệt hại ô nhiễm môi trường…

Tại Sơn La, cuối tháng 10/2016, Trung tâm cùng với người dân bản tái định cư Củ Pe đã có buổi tọa đàm với lãnh đạo huyện Mai Sơn để lắng nghe mong muốn, nguyện vọng hai bên và đưa ra đề xuất giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân. Trước mắt, lãnh đạo huyện đã cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đưa người dân đi xem khu đất thao trường, nếu các bên đi đến thống nhất sau đó có thể tiến hành các thủ tục giao nhận đất.

Ông Lại Hồ Luận, xã Tam Hưng, Thủy Nguyên cho biết, nhờ tư vấn pháp luật và kết nối của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững, cuối năm 2016, Tổng Giám đốc Công ty Nhiệt điện Hải Phòng đã có buổi gặp gỡ người dân và cam kết có những giải pháp giải quyết bức xúc, vướng mắc, mong muốn của họ.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ hỗ trợ người dân trong quá trình khởi kiện hành chính UBND tỉnh Thanh Hóa do không yêu cầu Công ty Nicotex Thanh Thái đền bù thiệt hại ô nhiễm môi trường, khởi kiện Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái vì đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường và những tác động bất lợi đối với các cộng đồng địa phương.

Nguồn: