Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam
(MTNT) - Đất là môi trường thích hợp cho sự sinh
trưởng phát triển của cây, nó cung cấp nước, oxy cũng như dinh dưỡng cho cây
trồng. Sự hình thành đất là một quá trình lâu dài có liên quan mật thiết với
địa hình, khí hậu, thực vật, động vật, đá mẹ và con người.
Theo Niên giám thống kê năm 2010, tổng diện tích đất tự nhiên cả nước là 33,105
triệu ha, trong đó đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm 79% diện
tích đất. Theo đánh giá thì tổng diện tích đất nông nghiệp có xu hướng giảm, từ
giai đoạn 2000 đến nay, diện tích đất nông nghiệp đã chuyển sang mục đích sử
dụng khác là 500.000 ha. Bên cạnh sức ép diện tích đất nông nghiệp thì vấn đề ô
nhiễm, suy thoái môi trường đất nông nghiệp cũng là một thách thức lớn đối với
nông nghiệp Việt Nam.
Ngày nay, dưới tác động của con người đất bị
thoái hóa nhanh chóng. Đất bị suy thoái là những loại đất do những nguyên nhân
tác động nhất định theo thời gian đã và đang mất đi những đặc tính và tính chất
vốn có ban đầu trở thành các loại đất mang đặc tính và tính chất không có lợi
cho sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng nông lâm nghiệp.
Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm, suy
thoái môi trường đất nông nghiệp ở Việt Nam như:
Sử dụng phân bón không đúng cách đã và đang để
lại dư lượng phân bón cây trồng không hấp thụ, điều này tác động tiêu cực đến
hệ sinh thái nông nghiệp, làm ô nhiễm nguồn nước, đất nông nghiệp. Theo số liệu
thống kê từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở nước ta chỉ tăng 57,7%
nhưng lượng phân bón hóa học sử dụng tăng tới 51,7%, có khoảng 2/3 lượng phân
bón hàng năm cây trồng chưa được sử dụng, gây lãng phí tiền bạc của nhân dân.
Đặc biệt, dưới góc độ môi trường, hàng năm một lượng lớn phân bón được rửa trôi
hay bay hơi đã làm ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống,
đó là một trong những tác nhân gây ô nhiễm đất, nước, không khí.
Trong những năm qua, nhu cầu sử dụng thuốc bảo
vệ thực vật ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Cục bảo vệ thực vật, ước tính
đến nay, có khoảng hơn 3.000 loại thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng với
khối lượng trên 100.000 tấn/năm. Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ
dịch hại, không tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thiếu
kiến thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến tình trạng tồn dư lượng
lớn thuốc bảo vệ thực vật trong đất, ảnh hưởng xấu đến môi trường đất và con
người.
Tuy pháp luật quy định khá nghiêm ngặt về vấn đề
sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các hành vi dẫn đến hủy hoại đất, song
bản thân những người dân lại chưa được trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức
khoa học đầy đủ về vấn đề này, hầu hết chỉ thực hiện theo thói quen. Hoặc trong
nhiều trường hợp người nông dân đã được tuyên truyền đầy đủ thông tin về phương
diện pháp luật cũng như kỹ thuật, song ý thức BVMT chưa cao, chỉ tính đến lợi
ích trước mắt mà không tính đến lợi ích lâu dài. Điều này đã dẫn đến thực trạng
các biện pháp bảo vệ đất chỉ tồn tại trên giấy tờ mà không được hiện thực hóa.
Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi gia súc cũng
ngày càng phát triển, mở rộng về quy mô và diện tích. Chất thải từ các hoạt
động chăn nuôi, gia súc, gia cầm hầu như không được xử lý đúng kỹ thuật, xả
thải trực tiếp ra môi trường cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm
đất, nước. Thói quen canh tác lạc hậu của người nông dân đã khai thác kiệt quệ
đất đai mà ít chú ý đến hoạt động bồi bổ, cải tạo đất, dẫn đến tình trạng đất
nông nghiệp thoái hóa, bạc màu.
Nạn phá rừng, khai thác gỗ để lấy đất canh tác
hoặc do thiên nhiên đã làm mất một diện tích lớn đất phủ thực vật dẫn đến rửa
trôi và xói mòn đất. Theo số liệu thống kê, tính riêng năm 2010, tổng diện tích
rừng bị cháy và bị chặt phá lên đến 7.781 ha, phần lớn trong rừng bị cháy và
rừng bị phá là rừng nguyên sinh. Sự suy giảm diện tích rừng đã gây sức ép không
nhỏ đối với môi trường, làm mất các chất dinh dưỡng trong đất, làm suy thoái và
mất tính năng sản xuất của đất. Đất nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng một phần
lớn từ quá trình này.
Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân gây ô
nhiễm, suy thoái môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp, một số
giải pháp đã được đề xuất nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái, ô nhiễm đất
nông nghiệp:
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật BVMT
trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp cho bà con nông dân, tổ chức các lớp
tập huấn hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đem lại giá trị
kinh tế và BVMT, trao đổi với bà con nông dân về tác hại của việc sử dụng phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách…, qua đó, từng bước nâng cao nhận
thức của người dân trong việc BVMT đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tuyên
truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng, hướng họ đến thói quen sử dụng
“nông sản sạch” cũng là yếu tố quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy người nông dân
phát triển một nền nông nghiệp bền vững gắn liền với việc bảo vệ đất nông
nghiệp.
Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý
vi phạm pháp luật BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Hoạt động thanh
tra, kiểm tra cần phải được quy định rõ về chức năng, thẩm quyền, đồng thời,
các quy định về vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT trong nông nghiệp cũng cần
phải bám sát với thực tiễn, phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế, kỹ
thuật khu vực nông thôn để việc xử lý có thể dễ dàng triển khai và đảm bảo tính
giáo dục, răn đe đối với người vi phạm.
Xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội của Việt
Nam và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, cần xây dựng những
chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích người nông dân BVMT trong quá
trình sử dụng đất nông nghiệp. Ví dụ, tại Nhật Bản, chính phủ thực hiện việc hỗ
trợ trực tiếp cho người nông dân với mức hỗ trợ tùy thuộc vào việc giảm thiểu
lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Hoặc
tại Hàn Quốc, chính phủ cũng chi trả trực tiếp dưới dạng bù đắp những chi phí
cho hoạt động mà người nông dân tiến hành nhằm BVMT trong quá trình sản xuất
nông nghiệp.
Hoàn thiện quy định về quản lý chất thải. Cần
phải xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho vấn đề quản lý chất thải, trong đó có
quản lý chất thải nông nghiệp. Quản lý chất thải cần đề cao các biện pháp giảm
thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải và gắn chúng với các biện pháp hỗ trợ cần
thiết về tài chính, kỹ thuật cũng như chế tài nghiêm minh xử lý vi phạm. Hoàng Hải
TW Hội Nông dân Việt Nam
|