Ngành Tài nguyên và Môi trường “khát” nhân lựcTheo Dân trí Đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong ngành tài nguyên và môi trường hiện nay vừa thiếu vừa yếu, mặc dù, hiện tại đội ngũ này có tới gần 50.000 người. Trong khi đó công tác bồi dưỡng, sử dụng nhân tài của ngành còn nhiều bất cập và hạn chế.Hôm nay 6/12, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị toàn quốc qua cầu truyền hình về đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường. Thời gian tới sẽ tăng chỉ tiêu đối với ngành Tài nguyên và Môi trường. Nhân lực vừa thiếu vừa yếu! Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát triển đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực được coi là giải pháp có tính chất quyết định thực hiện thắng lợi của các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường cũng như Chiến lược phát triển các lĩnh vực chuyên ngành tài nguyên và môi trường. Theo Bộ trưởng Nguyên, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành có khoảng gần 50.000 người. Tuy nhiên, đội ngũ này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong khi đó, công tác bồi dưỡng, sử dụng nhân tài còn nhiều bất cập và hạn chế. Nhìn chung, đội ngũ công chức, viên chức của ngành tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, hầu hết các lĩnh vực quản lý đều thiếu công công chức, viên chức. Cơ cấu về ngành nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao. Cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn đang có sự mất cân đối: Nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2% trên tổng số nhân lực, trong khi nguồn nhaâ lực tài nguyên nước và khí tượng thuỷ văn chiếm 1%, địa chất khoáng sản chiếm 1,8% nguồn nhân lực, nguồn nhân lực được đào tạo ở các chuyên ngành khác chiếm tới 30,8%. Về cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường cũng rất thiếu thốn và khó khăn: Tổng số cán bộ khoa học của các tổ chức nghiên cứu, phát triển thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến cuối năm 2010 có 1.318 người, trong đó có 92 tiến sĩ, 200 thạc sĩ và 896 cử nhân và tương đương, 10 nghiên cứu sinh và 38 người đang học cao học. Đặc biệt, ngành Tài nguyên và Môi trường chưa có một giáo sư nào. Các Viện hiện có 8 phó giáo sư, 5 tiến sĩ khoa học, 55 tiến sĩ, 82 thạc sĩ. Các cán bộ có học hàm, học vị tập trung chủ yếu ở một số ngành như: địa chất, khoáng sản, khí tượng, thuỷ văn, môi trường, quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, kinh tế. Hiện nay, các trường của Bộ Tài nguyên đang đào tạo khoảng 7.500 sinh viên hệ cao đẳng, 4.000 học sinh hệ trung cấp. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất của các trường vẫn còn khá khiêm tốn. Cả 3 trường (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường; trường CĐ Tài nguyên và Môi trường TPHCM, CĐ Tài nguyên và Môi trường miền Trung) chỉ có 6 phó giáo sư, 25 tiến sĩ, 129 thạc sĩ. Đối với đại học, hiện cả nước có 78 cơ sở đào tạo bậc đại học, caco đẳng các ngành, chuyên ngành về tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, trong đào tạo các trường còn mất cân đối giữa giữa các lĩnh vực như lĩnh vực đất đai, môi trường đào tạo nhiều hơn nhu cầu. Trong khi đó các lĩnh lực còn thiếu hụt hoặc chưa có chuyên ngành đào tạo như: Khí tượng, Thuỷ văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, định giá và kinh tế hoá trong quản lý tài nguyên… Giai đoạn 2011 -2015 cần tới 4,5 vạn người Nguyên nhân của tình trạng trên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Đến nay vẫn chưa có quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo về các chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; việc đầu tư về cơ sở vật chất, đổi mới, tăng cường giáo trình, chuẩn bị đội ngũ cán bộ giảng dạy cho các cơ sở đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn manh mún, dàn trải; chính sách thu hút học sinh, sinh viên tham gia học tập chưa được xây dựng và ban hành… Với tình hình thực tế hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo các chuyên ngành tài nguyên và môi trường bổ sung lực lượng công chức, viên chức đang công tác đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 lên đến 4,5 vạn người. Giai đoạn 2016 -2020, với sự phát triển khoa học công nghệ ngành Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu nhân lực này sẽ giảm xuống khoảng 20 -25% so với giai đoạn trước, trong đó tập trung tăng cường cho một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ, địa chất khoáng sản và một số chuyên ngành mới. Tập trung nguồn nhân lực có trình độ cao, tăng tỷ lệ có trình độ đại học trở lên từ mức 70% đến 90%. Tại hội nghị, lãnh đạo các trường đều đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GD-ĐT nâng cấp, tăng quy mô đào tạo ở các trình độ nhất định, nhất là trình độ đại học và sau đại học nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành và xã hội, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Với các bậc học của một trường đại học, sinh viên sẽ có điều kiện học tập nâng cao hơn, nhất là trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về đào tạo. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực này, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là đầu tư cho các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó tập trung mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và mở các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Cụ thể, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phòng thí nghiệm cho các trường; tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; tăng số chỉ tiêu đào tạo cán bộ công tác trong ngành và giảng viên; Huy động các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý ngành tài nguyên và mô trường tham gia, công tác với các cơ sở đào tạo ở bậc đại học và sau đại học; thuê chuyên gia, mời, thu hút Việt kiều, các nhà khoa học có năng lực và uy tín trên thế giới trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tham gia giảng dạy. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên sẽ rà soát, đánh giá danh mục đào tạo, các chương trình, giáo trình hiện tại để điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tế. Mời, thuê chuyên gia nước ngoài xây dựng hệ thống chương trình, giáo trình, nội dung đào tạo; mua bản quyền các chương trình đào tạo các trường đại học có uy tín của các nước tiên tiến; đẩy mạnh đào tạo đại học, sau đại học bằng tiếng Anh cho một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
|