GS Ngô Bảo Châu góp ý cho Tổ hợp không gian khoa họcGiáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng Tổ hợp không gian Khoa học nên có phòng trình diễn robot, kính ngắm thiên văn đa chiều, nhất là tạo sự giao thoa ánh sáng, tạo sự sống động để cuốn hút các bạn trẻ.
Chiều 14/1, nhân chuyến về Bình Định khảo sát địa điểm xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng toán, Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã tham gia góp ý tưởng cho Tổ hợp không gian khoa học sắp khởi công xây dựng ở thành phố Quy Nhơn.
" Nhằm tạo sức hấp dẫn, khơi dậy niềm yêu thích khám phá cho người xem, nhất là giới trẻ, Tổ hợp không gian khoa học cần được đầu tư công nghệ cao về robot, kính thiên văn đa chiều và sự giao thoa ánh sáng mô phỏng không gian vũ trụ sinh động", Giáo sư Châu đề xuất.
Kiến trúc sư Jean Francois Milou, Tổng Giám đốc Công ty Studio Milou (Singapore) giới thiệu ba bản thiết kế kỹ thuật Nhà mô hình vũ trụ và Bảo tàng Khoa học thuộc dự án án Tổ hợp không gian khoa học ở phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn.
Tỉnh Bình Định vừa thống nhất chọn phương án thiết kế khối nhà tròn hài hòa với cảnh quan. Hiện Kiến trúc sư Milou tiếp tục hoàn thiện bản thiết kế này để dự án khởi công trong tháng 5 tới.
Nhà mô hình vũ trụ và Bảo tàng được thiết kế cùng chung sảnh chờ, hàng lưu niệm, không gian cà phê. Lối lưu thông bên trong Nhà mô hình sẽ kết nối đến các không gian trưng bày của bảo tàng. Tổng diện tích sàn xây dựng mà Kiến trúc sư Milou đề xuất cho dự án này là 10.000 m2.
Giáo sư Ngô Bảo Châu tin tưởng Tổ hợp không gian khoa học "độc nhất vô nhị" của Việt Nam nơi đây hoàn thành sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. 2
Góc nhìn từ lối tiếp cận chính dành cho người đi bộ vào Nhà mô hình vũ trụ và Bảo tàng của Tổ hợp không gian khoa học.
Tổ hợp không gian khoa học gồm ba tiểu phần: Nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng khoa học và Đài quan sát thiên văn phổ thông với tổng kinh phí khoảng 110 tỷ đồng.
Góc nhìn từ sản chính của Nhà vũ trụ và Bảo tàng hướng ra vườn cảnh quan. Vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân đề xuất Giáo sư Ngô Bảo Châu kêu gọi bạn bè thiết kế, xây dựng mô hình " Nhà toán học" khoảng 1.000 m2 trong Tổ hợp không gian khoa học. GS Châu nhận lời, hứa sẽ chung tay góp sức nhằm khơi dậy niềm đam mê học toán cho học sinh, sinh viên Việt Nam.
Tổ hợp không gian khoa học được quy hoạch xây dựng trên diện tích 150 ha, định hướng trở thành khu đô thị khoa học và giáo dục, là điểm đến và cầu nối của khoa học và giáo dục Việt Nam với các nước.
Nhà mô hình vũ trụ gồm phòng chiếu và quan sát với các thiết bị sử dụng công nghệ trình chiếu, mô phỏng mới nhất giúp người xem khám phá vũ trụ, giải thích các vấn đề liên quan đến thiên văn học trực quan sinh động.
Toàn cảnh Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) hài hòa với phong cảnh thiên nhiên nằm trong quy hoạch Tổ hợp không gian khoa học ở TP. Quy Nhơn do Kiến trúc sư Milou thiết kế.
Giáo sư Trần Thanh Vân, người sáng lập ra Hội Gặp gỡ Việt Nam cho biết, Giáo sư Rolf Heuer, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), nơi đã khám phá ra hạt boson Higgs đã nhận lời hỗ trợ một phần trang thiết bị cho nhà mô hình vũ trụ nhằm giúp người xem trải nghiệm và tìm hiểu những hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên, vũ trụ.
Chiếc cầu nối giữa Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) với không gian thiên nhiên tuyệt đẹp ven biển Quy Nhơn.
Năm 2015, Giáo sư Trần Thanh Vân tiếp tục kêu gọi bạn bè giúp đỡ xây một số nhà chòi và biệt thự xung quanh Trung tâm này để các nhà khoa học quốc tế có thể về đây vừa nghiên cứu kết hợp với nghỉ dưỡng cùng gia đình.
" Một khi các nhà khoa học ở lại Việt Nam lâu hơn thì họ sẽ có thời gian gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho giới khoa học trong nước cùng sinh viên nhiều hơn", GS Vân tâm sự.
Trí Tín
|