Sẽ bổ sung các tội về môi trường vào bộ Luật Hình sự

(MT&PLO) - Các vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường (BVMT) được phát hiện tăng nhanh về số lượng cũng như mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên việc xử lý phần lớn vẫn áp dụng chế tài xử lý hành chính, các vụ bị xử lý hình sự trên thực tế chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Tại Hội thảo Tội phạm môi trường vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Linh Ngọc đã đưa ra cảnh báo, hiện nay, các vụ việc vi phạm về BVMT được phát hiện tăng nhanh về số lượng cũng như mức độ nghiêm trọng, tính chất phức tạp của hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, việc xử lý đối với các hành vi vi phạm này, phần lớn áp dụng chế tài xử lý hành chính, còn chế tài xử lý hình sự được áp dụng trên thực tế chiếm tỷ lệ nhỏ.

 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh về mức độ và tính chất phức tạp của hành vi vi phạm về môi trường.

Việc áp dụng pháp luật hình sự với tội phạm môi trường còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế, hiện nay, các tội phạm về môi trường được xếp vào chương 17 của Bộ Luật hình sự với 11 tội danh theo sửa đổi năm 2009 thay vì 10 tội danh như trong Bộ Luật hình sự năm 1999.

Tuy nhiên, mới chỉ có một vài tội trong số đó đã từng bị truy cứu và xét xử như : Tội hủy hoại rừng (Điều 189) và Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (Điều 190).

Trong khi đó, một số hành vi tương ứng với các tội khác như: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182); Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 182B); Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 185)… đã được đề nghị xử lý hình sự, song thực tế vẫn chưa được thực hiện.

Theo một thống kê khác của Chuyên gia Phạm Thị Hồng (Trường Cán bộ TP.HCM), trong thực tế, việc xử lý tội phạm về môi trường còn rất nhiều bất cập.

Thống kê này cho hay, toàn quốc đã xử lý 499 vụ gồm 308 bị cáo vi phạm hình sự về bảo vệ môi trường. Trong đó, vi phạm Điều 183 (tội gây ô nhiễm nguồn nước) là 282 vụ; vi phạm Điều 186 (tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người) là 15 vụ; vi phạm Điều 188 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản) là 54 vụ; vi phạm Điều 189 (tội huỷ hoại rừng) là 62 vụ; vi phạm Điều 190 (tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã) là 86 vụ.

Nhưng hầu hết quá trình xử lý tố tụng hình sự với các tội danh đó đều chưa có kết quả, việc áp dụng pháp luật hình sự dường như rất hạn chế.

Chỉ mới có 2 tội danh Điều 182 - Tội hủy hoại rừng và Điều 190 - Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm là bị xử lý và thi hành trên thực tế.

Nhưng cũng chiếm tỉ lệ quá ít ỏi so với thực trạng tội phạm ở Việt Nam (1000 vụ với 1013 bị can).

Sẽ bổ sung các tội về môi trường vào Luật Hình sự

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiến pháp năm 2013 đã coi quyền được sống trong môi trường trong lành là một trong những quyền cơ bản của con người. Từ đó, chính sách pháp luật bảo vệ môi trường cũng có bước thay đổi tích cực.

Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng đã tìm cách cụ thể hóa quyền cơ bản này vào từng quy định quản lý Nhà nước về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong vấn đề môi trường.

Đây là những cơ sở pháp lý vững chắc cho việc chống các hành vi gây tác động xấu đến môi trường thông qua các chế tài pháp lý.

Hầu hết các chuyên gia về môi trường đều cho rằng, việc luật hóa khái niệm tội phạm môi trường một cách hợp lý, khoa học, chính xác, sát thực tế là rất cần thiết.

Từ đó, diễn giải các trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nếu không có sự nhận thức đúng đắn về loại tội phạm này, thì việc xây dựng các hình thức chế tài, phạm vi và khả năng phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm sẽ trở nên khó khăn hơn, các chuyên gia nhìn nhận.

Cùng với đó, theo nhiều ý kiến, để xử lý nghiêm tội phạm về môi trường điều quan trọng phải thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhằm xử lý về mặt hình sự các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Mặt khác, trong khi chờ sửa đổi Bộ Luật hình sự thì các ý kiến cũng cho rằng cần có hướng dẫn ngay đối với các dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Đồng quan điểm trên, bà Hồng cho rằng, để có thể xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật môi trường, nhất thiết phải sửa đổi các quy định của pháp luật hình sự về các tội phạm môi trường.

“Theo đó, cấu thành tội phạm môi trường không bắt buộc phải có dấu hiệu “đã bị xử lý hình sự hành chính mà còn vi phạm”, chỉ cần “có hành vi vi phạm và có hậu quả nghiêm trọng trở lên” là cấu thành tội phạm”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Mặt khác, một số ý kiến cho rằng, Bộ luật hình sự cũng cần thể chế hóa ở một điều khoản riêng biệt đối với hành vi sử dụng trái phép rác thải y tế và các loại rác thải khác để tái chế làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất sản phẩm tiêu dùng.

Tội phạm này do chưa có cơ chế hình sự xử lý nên ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt về số lượng, mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi.

Chuyên gia kiến nghị: Dự thảo sửa đổi bổ sung luật hình sự nên thêm vào 2 điều gồm “tội mua, bán và tái chế rác thải y tế nguy hại” và “tội mua, bán hoặc tái chế chất thải rắn nguy hại chưa qua xử lý”.

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu, tổng kết thi hành các quy định pháp luật về tội phạm môi trường, đồng thời phục vụ trực tiếp cho việc sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 1999 dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2015.

 
H.M (TH theo Bizlive)