Chính sách lâm nghiệp các quốc gia

ThienNhien.Net - Báo cáo State of the World’s Forests 2014 (Tạm dịch: Hiện trạng Rừng Thế giới 2014) của FAO mới công bố cho thấy một tỷ lệ đáng kể dân số thế giới hiện đang phụ thuộc vào lâm sản nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về năng lượng, nhà ở và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, Báo cáo cũng cho thấy sự cần thiết phải đưa ra những chính sách chú trọng hơn việc duy trì và nâng cao vai trò của rừng trong duy trì sinh kế, cung cấp lương thực, dược liệu và năng lượng.

Hiện trạng Rừng Thế giới 2014 chỉ ra rằng những lợi ích kinh tế xã hội thường không được giải quyết thỏa đáng trong các chính sách lâm nghiệp và chính sách có liên quan khác, mặc dù rừng có tiềm năng to lớn góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn và xanh hóa nền kinh tế. Vai trò của rừng trong đảm bảo an ninh lương thực cũng thường bị coi nhẹ.

“Hiện trạng Rừng Thế giới 2014 tập trung phân tích những lợi ích kinh tế xã hội thu được từ rừng. Đóng góp của rừng cho những nhu cầu cơ bản và sinh kế nông thôn thật ấn tượng. Rừng cũng là bể chứa cácbon và nơi bảo tồn đa dạng sinh học. Chúng ta không thể đảm bảo an ninh lương thực hoặc phát triển bền vững mà không bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng một cách có trách nhiệm.” – Ông José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh.

Ảnh minh họa: FAO

Ảnh minh họa: FAO

Gỗ củi – nguồn cung năng lượng chính cho các hộ gia đình – bị coi nhẹ trong các chính sách

Ở nhiều nước đang phát triển, gỗ củi là loại nhiên liệu giá rẻ duy nhất mà đa số người dân có thể tiếp cận. Theo thống kê, 1/3 số hộ gia đình ở các nước đang phát triển sử dụng củi làm nhiên liệu chính để nấu ăn. Gỗ củi cung cấp hơn một nửa tổng nguồn cung năng lượng tại 29 quốc gia, trong đó có 22 quốc gia châu Phi. Điển hình như ở Tanzania, năng lượng từ gỗ chiếm khoảng 90% tổng năng lượng tiêu thụ của quốc gia này.

Năng lượng gỗ củi cần thiết cho an ninh lương thực của hàng tỷ người, tuy nhiên, các chính sách lâm nghiệp, năng lượng và an toàn thực phẩm lại không đề cập đầy đủ điều này. Do vậy, cần có nhiều hành động hơn để cải thiện sản lượng năng lượng gỗ củi, biến nó trở thành nguồn cung năng lượng bền vững hơn, đồng thời giảm gánh nặng tìm kiếm nguồn cung cho phụ nữ và trẻ em – những người phải thu thập khoảng 85% củi đốt trong gia đình.

1/5 dân số sống trong những ngôi nhà gỗ

Cũng theo báo cáo, có ít nhất 1,3 tỷ người, tương đương 18% dân số thế giới, hiện đang sống trong những căn nhà gỗ. Loại vật liệu xây dựng này đặc biệt quan trọng ở các nước kém phát triển, nơi gỗ rẻ hơn nhiều so với các loại vật liệu khác. Việc khai thác vật liệu xây dựng, năng lượng từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ hiện sử dụng ít nhất 41 triệu lao động dưới hình thức phi chính thức, gấp ba lần số lượng người làm việc trong khu vực lâm nghiệp chính thức.

Thêm vào đó, rừng cũng thực hiện nhiều dịch vụ môi trường thiết yếu như kiểm soát xói mòn, thụ phấn, kiểm soát sâu bệnh tự nhiên và giảm nhẹ rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu, cũng như cung cấp hàng loạt các dịch vụ văn hóa, xã hội và thực phẩm quanh năm cho cộng đồng địa phương.

Điều chỉnh chính sách lâm nghiệp

Hiện trạng Rừng Thế giới 2014 nhấn mạnh, việc cho phép cộng đồng và các gia đình tại địa phương quyền tiếp cận các khu rừng, xâm nhập vào các thị trường và tăng cường quyền sở hữu rừng là những biện pháp hữu hiệu để tăng cường các lợi ích kinh tế xã hội của rừng cũng như hỗ trợ giảm nghèo ở các vùng nông thôn.

Báo cáo còn khẳng định sự cần thiết phải cải thiện năng suất của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả các nhà sản xuất không chính thức và nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý bền vững các nguồn tài nguyên mà các doanh nghiệp lâm nghiệp đang phụ thuộc. Ghi nhận vai trò của dịch vụ môi trường của rừng, có các cơ chế thanh toán để đảm bảo duy trì các dịch vụ này là việc làm cần thiết.

Dựa theo những dữ liệu và phân tích trong báo cáo, FAO khẳng định chính sách của nhiều quốc gia cần phải định hướng lại. “Các quốc gia cần thay đổi quan điểm của họ, cả trong thu thập dữ liệu và hoạch định chính sách, từ sản xuất đến lợi ích – nói cách khác là từ cây tới người. Các chính sách và các chương trình, không chỉ trong lĩnh vực lâm nghiệp, phải khẳng định một cách rõ ràng vai trò của rừng trong việc cung cấp thực phẩm, năng lượng và nhà ở. Với một khái niệm mới, toàn diện sẽ làm rừng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà tài trợ, các nhà đầu tư và đảm bảo rằng rừng có lợi cho tất cả người, đặc biệt là những người cần nó nhất.” – Trợ lý Tổng giám đốc Lâm nghiệp FAO, Eduardo Rojas-Briales nói.

FAO đã ký một thỏa thuận 4 năm với AgriCord – Mạng lưới toàn cầu của các cơ quan phát triển nông nghiệp do các tổ chức nông dân chuyên nghiệp và các doanh nghiệp nông dân điều hành – để cộng tác với Ban Rừng và Cơ sở vật chất chuồng trại (FFF) – liên minh giữa FAO, Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) và Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), để hỗ trợ cho các tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp.

FAO và Chính phủ Hàn Quốc cũng ký một biên bản ghi nhớ nhằm hỗ trợ Cơ chế Phục hồi Cảnh quan Rừng – cơ chế được thiết kế để hỗ trợ việc thực hiện, giám sát và báo cáo việc phục hồi cảnh quan rừng cấp quốc gia.

Theo Trần Thu Hiền/Vanhien.vn, 13/08/2014