Thu gom chất thải nguy hại tại hộ gia đìnhThu gom chất thải nguy hại tại các hộ gia đình đã được TPHCM tiến hành thông qua các phong trào như “Ngày hội tái chế”, “Tuần lễ thu gom chất thải nguy hại”… Từ chỗ đại đa số người dân TPHCM không hiểu như thế nào là chất thải nguy hại được thải ra ngay trong cuộc sống của mình, qua các phong trào trên, nhiều người đã hiểu, đặc biệt là lớp trẻ. Tuy nhiên, làm thế nào để chất thải nguy hại tại các hộ gia đình được thu gom triệt để? Thiếu cơ sở pháp lý Báo cáo với UBND TPHCM, Quỹ tái chế chất thải thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM - đơn vị trực tiếp tổ chức nhiều “Ngày hội tái chế” và “Tuần lễ thu gom chất thải nguy hại” tại các hộ gia đình cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt tại các hộ gia đình. Chất thải nguy hại vẫn được nhiều hộ gia đình thải bỏ cùng với các chất thải rắn sinh hoạt thông thường. Sau khi được thu gom và chuyên chở đến các bãi rác ở thành phố, rác thải nguy hại vẫn được chôn cùng rác thải sinh hoạt. Lượng chất thải nguy hại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với lượng rác thải sinh hoạt nhưng chúng là nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Từ năm 2008 đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường, Quỹ tái chế chất thải cùng nhiều cơ quan liên quan như Thành đoàn TPHCM, Công ty Môi trường Đô thị… đã phối hợp tổ chức nhiều “Ngày hội tái chế chất thải”, “Tuần lễ thu gom chất thải nguy hại”. Kết quả thu được từ những phong trào này rất đáng ghi nhận. Nếu như năm 2008, chỉ có 24 điểm thu gom chất thải nguy hại trong thời gian tổ chức “Ngày hội tái chế chất thải” thì đến những năm sau con số này đã tăng lên hơn 100 điểm với hàng ngàn người tham gia. Năm 2012, sau một tuần triển khai thu gom chất thải nguy hại tại các hộ gia đình, đã có 1.079,8kg chất thải nguy hại được thu gom, trong đó có 527kg bóng đèn, 404,5kg vỏ chai lọ đựng hóa chất đã qua sử dụng. Năm 2013 con số này là 1.386kg chất thải nguy hại đã được thu gom, trong đó có 61kg pin; 557,5kg bóng đèn; 767,5kg vỏ chai lọ đựng hóa chất đã qua sử dụng… Giá trị tuyệt đối của những chất thải nguy hại này có thể không lớn so với số lượng chúng được thải bỏ thực tế tại các hộ gia đình nhưng cái được lớn nhất từ những phong trào này là sự hiểu biết của người dân về chất thải nguy hại đã được nâng lên. Những ngày đầu, “Ngày hội tái chế chất thải” chỉ thu hút được vài ngàn người quan tâm nhưng nay con số đã lên tới hàng chục ngàn. Ngay như năm 2013, đã có 90.000 hộ dân và 18.000 khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.opMart, BigC và Lotte được tuyên truyền trực tiếp về tác hại; cách nhận biết và cách phân loại, thu gom đúng chất thải nguy hại tại hộ gia đình. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ dừng ở tầm mức phong trào do thiếu một cơ chế cụ thể, xác định trách nhiệm của việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại. Xây dựng những điểm thu gom thường xuyên Đó là kế hoạch của Quỹ tái chế chất thải TPHCM trong thời gian tới. Quỹ tái chế chất thải đang nghiên cứu đề xuất Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND TPHCM đưa những hoạt động thu gom chất thải nguy hại tại các hộ gia đình được tổ chức hàng năm trong các chương trình “Ngày hội tái chế chất thải” hoặc “Tuần lễ thu gom chất thải” vào chương trình hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên ở các quận, huyện. Tùy từng quận, huyện, Quỹ tái chế chất thải sẽ đề nghị xây dựng các điểm thu gom chất thải cố định tại từng khu vực. Khi có nhu cầu, người dân có thể đem chất thải nguy hại đến bỏ ở đấy. Định kỳ, các đơn vị có chức năng và được cấp phép thu gom, xử lý chất thải nguy hại sẽ đưa những chất thải này đi xử lý. Theo đại diện Quỹ tái chế chất thải, chất thải nguy hại tại các hộ gia đình đôi khi là những thứ rất gần gũi với sinh hoạt của người dân và người dân sau khi sử dụng có thể thải bỏ bất cứ lúc nào. Pin và những đồ dùng liên quan tới pin như ắc quy chẳng hạn. Trong pin, ắc quy có chì. Khi bị nhiễm độc chì, đặc biệt là trẻ em, có thể bị ngộ độc và đến một giới hạn nhất định có khả năng sẽ bị ung thư, thiếu máu, thậm chí đột tử nếu bị ngộ độc nặng. Bình đựng chất tẩy rửa kính, gỗ, thuốc xịt diệt côn trùng hay bóng đèn tuýp hỏng... đều được coi là rác thải nguy hại. Nếu không được thải bỏ đúng cách sẽ có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Ngay cả một số đồ nhựa cũng có khả năng gây độc. Bản chất của polymer không độc nhưng lại phụ thuộc nhiều các chất phụ gia trong quá trình sản xuất thành các vật dụng. Đặc biệt là nhựa tái sinh, nếu nguồn phế liệu sản xuất ra nhựa lẫn lộn nhiều loại bao bì chứa hóa chất, thuốc trừ sâu… mà chỉ được xử lý vệ sinh sơ sài rồi đưa vào sản xuất. Chính vì vậy, thu gom và đưa đi xử lý kịp thời chất thải nguy hại trong sinh hoạt tại các hộ gia đình là yêu cầu cấp bách, cần làm ngay của thành phố. Theo Quỹ tái chế chất thải TPHCM, nhiều nước trên thế giới cũng tiến hành thu gom chất thải nguy hại tại các hộ gia đình theo hình thức như vậy. Với tình hình thực tế của mình, Việt Nam mà cụ thể là TPHCM hoàn toàn có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm này. Chất thải nguy hại, đúng như tên gọi của nó, cần được thu gom và xử lý thường xuyên để bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân thay vì “chờ đợi” tới những dịp như “Ngày hội tái chế chất thải” hoặc “Tuần lễ thu gom chất thải”… Tất nhiên, những dịp như vậy cũng nên được duy trì nhưng đã đến lúc hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ “nổi” lên trong các dịp lễ hội. AN NHIÊN |