Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất xanh 2014: Cấp thiết cải thiện ô nhiễm không khíÔ nhiễm không khí hiện là vấn đề nóng của Việt Nam. Nguyên nhân khiến chất lượng không khí bị suy giảm cũng đã được chỉ rõ. Sự cần thiết phải cải thiện chất lượng không khí cũng rất cấp bách. Vậy làm thế nào để có thể cải thiện thực trạng này? Kiểm soát khí thải: Phòng bệnh hơn chữa bệnh Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, để có thể cải thiện cũng như bảo vệ kết quả cải thiện chất lượng không khí, nhất thiết phải có sự điều tiết chung từ Chính phủ. Đơn cử, tại Mỹ, ngay từ năm 1970, Chính phủ đã ban hành luật về không khí trong sạch. Theo đó, tất cả các khu vực có dân số trên 50.000 người đều phải có một cơ quan quy hoạch vùng đô thị (MPO). MPO có trách nhiệm thực hiện quy hoạch giao thông bao gồm quy hoạch dài hạn và quy hoạch ngắn hạn tương thích các mục tiêu chất lượng không khí đề ra. Điều này nhằm đảm bảo việc nâng cấp hệ thống giao thông không làm ô nhiễm bầu khí quyển.
Còn tại Nhật Bản, những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại luôn được đặt lên hàng đầu. Hệ thống kiểm soát ô nhiễm quy định rất rõ tiêu chuẩn phát thải, tiêu chuẩn kiểm soát tổng lượng phát thải, tiêu chuẩn về xây dựng và tiêu chuẩn đối với các nồng độ trong môi trường không khí (SO2; NO2; bụi thông thường, bụi đặc thù…). Luật còn đề cập đến những biện pháp ứng phó với các chất ô nhiễm không khí nguy hại, kiểm soát các nguồn lưu động (trong giao thông), quy định về các phương tiện vận tải chạy trên đường. Bên cạnh một hệ thống chính sách nghiêm ngặt, chính phủ và các cấp chính quyền địa phương cũng rất coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Lỗ hổng kiểm soát khí thải quá lớn Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường, trong đó vấn đề ô nhiễm không khí đang ở mức đáng báo động. Thời gian qua Bộ TN-MT cùng với UBND các tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được kiểm soát. Nguyên nhân là do khung pháp lý nước ta hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật đặc thù, chuyên biệt về quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Điển hình, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 mới chỉ đề cập rất ít đến kiểm soát ô nhiễm không khí, chưa xây dựng được các tiêu chí đánh giá, thực hiện, kiểm soát. Mặt khác, vẫn còn tồn tại hiện tượng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý. Hoàn thiện pháp lý, phát huy trách nhiệm cộng đồng Khắc phục những lỗ hổng pháp lý liên quan đến kiểm soát khí thải ô nhiễm là điều kiện tiên quyết cần phải làm nếu muốn cải thiện chất lượng ô nhiễm không khí hiện nay. Tuy nhiên, không dừng lại giải pháp quản lý, việc phát huy vai trò tham gia của cộng đồng dân cư trong việc cải thiện thực trạng ô nhiễm môi trường không khí cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi chính họ là những người phải trực tiếp gánh chịu hậu quả của ô nhiễm không khí. Giáo sư NGUYỄN VĂN PHƯỚC
|