Nâng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp

Việc nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn, tạo giống mới, cải tiến phương thức canh tác đã và đang làm tăng dần hàm lượng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp nước ta phát triển.
 

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học trong công tác chọn giống, hiện nay cơ cấu giống cây trồng của Việt Nam đã được chuyển đổi theo hướng sử dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Tỷ lệ sử dụng các giống mới đạt cao nhất ở cây lúa, ngô và rau với trên 60% diện tích gieo trồng. Các loại cây trồng khác tỷ lệ sử dụng giống mới đều chiếm khoảng 30 - 40% diện tích.

Trong chăn nuôi, nhờ những tiến bộ của KHCN, nhiều giống gia súc địa phương như bò vàng, gà Mông, lợn Móng Cái đã được phục tráng, phát triển, tạo nên những sản phẩm hàng hóa đặc sản, giá trị cao được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước quan tâm. Việc thực hiện chương trình cải tạo đàn giống như Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn đang đem lại những thay đổi lớn về chất lượng tổng đàn. Hiện nay, đàn bò lai mới giống bò chiếm khoảng trên 75% so với tổng đàn. Đàn lợn lai 2 - 3 máu chiếm trên 80% so với tổng đàn.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong nuôi trồng thủy sản, nhiều giống tôm, cá mới được nghiên cứu, đưa vào nuôi trồng theo phương thức sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đặc biệt việc chuyển giao công nghệ về giống, nuôi thả, thức ăn và công nghệ chế biến thủy hải sản với cá da trơn và tôm đông lạnh đã trở thành yếu tố quyết định bảo đảm lợi thế cạnh tranh của tôm, cá xuất khẩu ở thị trường Mỹ và EU. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng nhanh, từ 47,4 triệu/ha năm 1995, năm 2011 đã đạt 135,2 triệu/ha.

Việc nhiều giống cây lâm nghiệp có giá trị đã được chọn tạo; kỹ thuật nhân giống vô tính như kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào, kỹ thuật giâm cành đã cung cấp hàng triệu cây trồng chất lượng cao phục vụ cho công tác phát triển rừng hàng hóa, làm phong phú thêm các nguồn nguyên liệu cho nhà máy và cho thương mại. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là trong khâu làm đất...

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, hạn chế lớn nhất được đánh giá trong chuỗi sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay là chế biến sau thu hoạch. Tình trạng mất mùa trong kho ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, thất thoát sau thu hoạch với lúa từ 11 - 13%, ngô 13 - 15% chưa kể sự suy giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình bảo quản cũng làm giảm giá thương phẩm 20 - 25%. Ngành thủy sản và rau quả tổn thất 20 - 25% về sản phẩm và chất lượng. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ, manh mún, chưa quy hoạch được những vùng sản xuất tập trung để đầu tư thâm canh theo chiều sâu. Vì vậy, dù có lợi thế một nền nông nghiệp nhiệt đới, sản phẩm phong phú đa dạng nhưng khối lượng của từng chủng loại còn ít, chất lượng sản phẩm chưa cao, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế đang làm ảnh hưởng đến hiệu quả của sản xuất nông nghiệp cần tạo ra nhiều sản phẩm KHCN có chất lượng theo hướng sát bám sát vào thực tiễn, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, cải thiện năng lực cạnh tranh để phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kết quả nghiên cứu cần phải được đăng ký sở hữu trí tuệ; các sản phẩm mới, tiến bộ kỹ thuật và quy trình công nghệ cần phải được công nhận, ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để đủ điều kiện đưa vào sản xuất. Cần pháp luật hóa quyền sử dụng, chuyển giao thành quả KHCN, quyền chuyển giao bằng độc quyền, hợp đồng chuyển giao bí quyết, hợp đồng cho phép khai thác bằng độc quyền…

Bên cạnh đó, cần hình thành các tổ chức chuyển giao công nghệ tại các đơn vị nghiên cứu, song song với phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật KHCN, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Cần tạo sàn giao dịch công nghệ, liên kết với các đơn vị chuyển giao công nghệ với các tổ chức ứng dụng, kết nối cung - cầu sản phẩm KHCN mới để áp dụng vào sản xuất và xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng các sản phẩm tạo ra.

Bích Thủy