Với 1.350 làng nghề, thành phố Hà Nội được biết đến là mảnh đất hội tụ các tinh hoa văn hoá của dân tộc Việt, nơi những tinh hoa đó được lưu giữ, phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề với nhiều loại hình sản xuất khá phong phú, đa dạng, hình thức tổ chức cũng linh hoạt đã tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn. Nhưng do phát triển theo kiểu tự phát, sản xuất được mở rộng bao nhiêu thì lượng các chất thải gây ô nhiễm phát sinh càng nhiều. Trong khi đó việc quản lý môi trường làng nghề thiếu vắng cơ chế quản lý và còn nhiều bất cập, thậm chí còn chồng chéo, bên cạnh đó công tác đầu tư xử lý chất thải làng nghề hiện chưa được chú trọng giải quyết, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Nhất là các làng nghề cơ kim khí, mức độ ô nhiễm từ quá trình sản xuất đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ người dân và chất lượng cuộc sống.
Làng nghề cơ kim khí Thanh Thuỳ, huyện Thanh Oai là một điển hình của sự ô nhiễm. Xã này có 6 thôn thì 4 thôn sản xuất cơ kim khí, một thôn làm trống, thôn còn lại sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ điêu khắc gỗ. Các làng nghề của xã thu hút 1.787 hộ tham gia, nhờ vậy cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch đáng kể, giá trị sản xuất nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 16,5%, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chiếm 83,5%. Mặc dù kinh tế, xã hội có nhiều khởi sắc, nhưng người dân nơi đây luôn sống trong cảnh lo âu do hệ thống xử lý môi trường trong thời gian dài chưa bảo đảm an toàn, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ luôn thường trực. Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường, nhiều chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn cho phép như BOD5 vượt 1,86 – 7,06 lần, COD vượt 2,46 – 11,16 lần, NH4 vượt 1,1 – 7,64 lần, lượng dầu mỡ thải ra môi trường vượt 6,5 – 11 lần, Colifom vượt 12 – 30,6 lần... Điều đáng lo ngại, làng nghề Thanh Thuỳ nằm xen kẽ trong khu dân cư, không có hệ thống cống phân tách giữa nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt, tất cả đều xả trực tiếp xuống sông Rùa gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Qua tìm hiểu tình hình, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề Thanh Thuỳ hạn chế về nhận thức tuân thủ các quy định, luật pháp về bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp lớn tuy ý thức được việc bảo vệ môi trường, song để xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn thì thực sự vượt quá khả năng và năng lực của họ. Trong công tác quản lý về môi trường, tính chủ động của xã chưa cao; những quy định về quản lý môi trường cũng chưa cụ thể; sự can thiệp, phối hợp giữa cơ quan chức năng và địa phương thiếu chặt chẽ, khiến công tác quản lý môi trường tại làng nghề này nhiều khó khăn, thách thức...
Từ thực tế đòi hỏi phải xây dựng một mô hình quản lý môi trường làng nghề Thanh Thùy nói riêng và các làng nghề của thành phố nói chung hướng đến phát triển bền vững. Trong nhiều chương trình, đề án, dự án khắc phục ô nhiễm đang được UBND TP và các địa phương triển khai, phải kể đến dự án quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh VPEG do Chính phủ Canada tài trợ triển khai tại xã Thanh Thuỳ. Dự án bao gồm các hợp phần nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường để quản lý ô nhiễm công nghiệp một cách hiệu quả. Sau hơn năm tháng triển khai hướng dẫn trình diễn áp dụng sản xuất sạch hơn tại các hộ gia đình và xây dựng quy ước bảo vệ môi trường với cam kết tham gia của các hộ sản xuất đã tạo sự thay đổi rõ rệt. Ông Nguyễn Đăng Khoa, chủ cơ sở sản xuất chuyên mạ điện làng nghề Thanh Thuỳ cho hay: “Đây là một công việc không hề khó, thực sự đem lại hiệu quả và không phải đầu tư nhiều. Công nhân trong trong xưởng sản xuất đỡ tốn công sức trong quá trình sản xuất; di chuyển nguyên vật liệu nhanh gọn hơn, hạn chế rơi vãi hoá chất và sản phẩm trong quá trình sản xuất; việc xuất, nhập nguyên liệu, sản phẩm cũng trở nên thuận tiện và đơn giản hơn”. Tính vượt trội của mô hình này là có sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường tại làng nghề. Qua các lớp tập huấn, từ cán bộ làm công tác môi trường đến người dân làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy có thêm cơ hội phát triển kỹ năng cần thiết cũng như kiến thức về quản lý môi trường và biện pháp phòng ngừa ô nhiễm công nghiệp... Thành công từ mô hình thí điểm này, nên nhân rộng để các địa phương học tập kinh nghiệm trong xây dựng bộ quy tắc bảo vệ môi trường làng nghề.