Áp quy chuẩn hàm lượng đạm 34% vào sữa Danlait là không đúng!

Cụ thể, theo quy chuẩn này, tại Điều 1 đã quy định: “Quy chuẩn này không áp dụng đối với các sản phẩm sữa theo công thức dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi, sữa theo công thức với mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và thực phẩm chức năng (bao gồm cả nhóm thực phẩm bổ sung, theo Luật an toàn thực phẩm)”.

 

Đối tượng áp dụng của quy chuẩn này chỉ bao gồm 4 loại: sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật.  

 

Theo đó, việc áp chỉ tiêu 34% hàm lượng protein sữa trong các sản phẩm thuộc đối tượng áp dụng Quy chuẩn Việt Nam số QCVN 5-2:2011/BYT(quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột) vào các sản phẩm khác, trong đó có thực phẩm bổ sung là không đúng.

 

Liên quan đến xuất xứ và hồ sơ pháp lý của loại sản phẩm này, Cục phó Cục An toàn thực phẩm 1 lần nữa khẳng định xuất xứ và hồ sơ pháp lý của 3 loại sữa dê thuộc nhóm thực phẩm bổ sung nói trên đều đầy đủ hồ sơ pháp lý của Pháp và theo quy định Việt Nam, đồng thời từng lô hàng khi nhập khẩu về Việt Nam đều được kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thú y và hoàn thành thủ tục thông quan hợp lệ, hợp pháp.

 

Ngoài ra, trước những thông tin khác nhau về các sản phẩm thực phẩm bổ sung: sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi, sữa dê Danlait 2 dành cho trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi và sữa dê Danlait 3 dành cho trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi của Pháp do công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng khi đề cập các thông tin liên quan đến sản phẩm sữa dê Danlait thuộc nhóm thực phẩm bổ sung như đã nêu trên cần bám sát các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đã được ban hành.

 
 Áp quy chuẩn hàm lượng đạm 34% vào sữa Danlait là không đúng!

 
Từ một mối hoài nghi về việc sau 2 tháng sử dụng sữa dê Danlait, cậu con trai 9 tháng tuổi không lên mà còn sụt nửa cân, chị Cao Thị Ngân Hà (Tây Hồ, Hà Nội) đã nghi ngờ và đi tìm hiểu.

 

Hỏi bạn bè sống tại Pháp, mọi người đều nói không biết sản phẩm này. Lên website của sản phẩm thì phát hiện website này có rất nhiều lỗi chính tả vô lý và mặc dù web có đuôi fr (France) nhưng do người Việt mua tên miền và được lập tại Việt Nam… Và cuộc đối chất với công ty Mạnh Cầm, nhà nhập khẩu sản phẩm này đã làm chị và nhiều cư dân trên mạng bức xúc khi tiếp tục phát hiện thêm nhiều vấn đề của nhãn hàng này như xuất xứ có thực từ Pháp không khi có 1 sản phẩm tương tự với mẫu mã giống hệt chỉ khác chữ trên đó là tiếng Trung Quốc và được bán tại Trung Quốc; 1 tập đoàn lớn liệu có thể có tới 4 lỗi trong Giấy phân tích thành phần, trong đó có những lỗi khó chấp nhận như nhầm chloride (chất khoáng) thành chlorine (chất tẩy rửa); vì sao các giấy chứng nhận tại Pháp đều ghi tên sản phẩm là Goat milk baby food chứ không phải là Danlait…
 
Về phía công ty Mạnh Cầm, đơn vị nhập khẩu sữa Danlait, ông Đặng Minh Sang, Phó Giám đốc công ty đã công bố tất cả những giấy tờ mà các bên yêu cầu đồng thời khẳng định: “Các thành phần ghi trên bao bì là hoàn toàn đúng và chúng tôi chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng của sản phẩm”. Họ cũng treo giải thưởng 1 tỉ cho ai chứng minh được sữa dê Danlait với chứng chỉ y tế hình bầu dục in trên hộp (FR 85-133-01 CD) do công ty Mạnh Cầm phân phối tại Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ không phải từ Pháp và sữa này có nguy hại đến sức khỏe con người”.  đồng thời khẳng định sẽ khởi kiện ra toà người đứng sau vụ này
 

Ngay sau khi xuất hiện dư luận nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm Danlait, website của Cục An toàn thực phẩm đã chính thức đăng tải thông báo khẳng định sản phẩm Danlait là có xuất xứ từ Pháp và có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Sau đó, tiếp tục gửi công văn tới đại sứ quán Pháp để nhờ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ khi dư luận tiếp tục hoài nghi về tính khách quan của công bố này.

 

Cơ quan quản lý thị trường cũng đã vào cuộc và bước đầu tạm giữ 4.000 hộp sản phẩm Danlait để nhằm làm rõ 3 vấn đề nghi vấn trong đó có việc đăng ký là thực phẩm bổ sung nhưng lại ghi là sữa dê.

 

Dựa trên thông tin này, 1 số báo cho rằng sữa Danlait là “dởm”, công ty Mạnh Cầm lừa dối khách hàng vì hàm lượng đạm dưới 20% là quá thấp so với tiêu chuẩn 34% lượng đạm đối với sản phẩm sữa.
 

Hiện điều quan tâm nhất hiện nay của chị Hà và cư dân mạng là chất lượng sữa có đảm bảo và có chất độc gì không, có thực là mua rẻ bán đắt và quảng cáo lừa dối khách hàng ở mức nào?

 
Trần Phương