Xác định chất cấm trong nông sản

ANTĐ - Không thể phủ nhận sự vào cuộc ráo riết của Bộ NN&PTNT trong việc siết chặt quản lý VSATTP nông sản trong thời gian gần đây. Song, dường như sự cố gắng của một bộ, ngành là chưa đủ, khi mà chất lượng nông sản ngày càng bị đe dọa bởi tình trạng lạm dụng chất cấm hiện nay.

Lê nhập khẩu nhiễm chất cấm

Trong khi kết quả kiểm tra mẫu cải thảo Trung Quốc để tìm tồn dư của hoạt chất Formaldehyde tại Việt Nam chưa ngã ngũ, thì một kết quả kiểm tra của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho thấy, đã có sự xuất hiện của chất cấm trong bảo vệ hoa quả. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, triển khai kiểm tra ATTP hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật, từ đầu năm 2012 đến cuối tháng 4, qua phân tích 315 mẫu, phát hiện 71 mẫu có dư lượng hóa chất BVTV. Đáng lưu ý, đã phát hiện một mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng endosulfan, là hoạt chất cấm sử dụng ở Việt Nam. Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, các đơn vị đã lấy 10 mẫu hoạt chất có nguy cơ cao có thể được sử dụng để bảo quản trái cây nhập khẩu, phát hiện có dư lượng của 2 hoạt chất, nhưng đều dưới ngưỡng cho phép. 

Còn về thông tin 

Formaldehyde bị lạm dụng để phun trên cải thảo ở Trung Quốc, Cục BVTV đã bổ sung Formaldehyde vào danh mục các chất cần kiểm tra trên rau, củ quả tươi nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, ông Hồng cũng cho hay, Cục đã chỉ đạo các đơn vị rà soát các cửa khẩu có nhập rau quả Trung Quốc đưa vào trong nước như Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái, cảng TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Kết quả cho thấy, rau và cải thảo từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh là chủ yếu. Tuy nhiên, từ tháng 3 tới nay, hầu như không có cải thảo nhập vào Việt Nam, mà tập trung từ tháng 11 tới tháng 3 hàng năm, vì đây mới là mùa chính của rau cải thảo. Còn, kết quả kiểm tra ở các vùng sản xuất trong nước như Lâm Đồng, Lào Cai cho thấy, chưa phá hiện chất này trong sản xuất và bảo quản rau ở Việt Nam. 

Truy tìm nguồn gốc


Nông sản nhập khẩu sẽ được kiểm soát chất lượng chặt chẽ
(Trong ảnh: Kiểm tra hoa quả nhập khẩu tại cử khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn


Vào giữa tháng 4, Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Hồ Chí Minh đã phát hiện một số mẫu cá điêu hồng tại chợ Bình Điền có dư lượng hóa chất cấm Trifluralin. Theo đó, chi cục này đã lấy 172 mẫu cá, phát hiện 4 mẫu có Trifluralin, chiếm tỷ lệ 2%. Trifluralin là chất có khả năng gây ung thư nhưng chỉ xếp ở mức trung bình, có nguy cơ gây bệnh thấp không phải cực độc. Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, với tỷ lệ phát hiện từ đầu năm tới nay, có chăng chỉ là đang tồn tại đơn lẻ, cá biệt trong việc sử dụng.

Bên cạnh đó, chất tẩy trắng “săm pết” dùng để tẩy thịt ôi thiu thành thịt tươi mới đang được cục này lấy mẫu bột để phân tích, xác định thành phần hóa học và khả năng gây hại. Với các lô “thịt thối”, Cục Thú y đang phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, để kiểm tra, làm rõ nguồn gốc các lô hàng này, đường dây tiêu thụ. Song, ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, rất khó để xác minh. “Thực phẩm bẩn đã vào tận bếp ăn tập thể, khu công nghiệp từ lâu, do đó, không có lý do gì để cơ quan chức năng không biết nguồn gốc ở đâu”, là ý kiến của bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. 

Theo bà Thu, cần phối hợp giữa các lực lượng để tìm ra đường dây vận chuyển, tiêu thụ loại thực phẩm “bẩn” này, cần chặn từ gốc, không thể theo kiểu thả gà ra đuổi. Bà Thu tiết lộ, có thông tin, những loại thực phẩm này có nguồn gốc từ hàng tạm nhập tái xuất. Do đó, Cục Thú y phải kiểm tra ở các cửa khẩu, để đề xuất Chính phủ quản lý việc tạm nhập tái xuất. “Thực phẩm “bẩn” như nầm, nội tạng động vật, chân gà… bị bắt thời gian qua không thể có nguồn gốc từ trong nước, chúng được nhập khẩu từ những nước không sử dụng những sản phẩm này, vấn đề là qua con đường nào mà thôi”, bà Thu nói. 

Trước tình trạng loạn các chất cấm trong sản xuất, bảo quản nông sản thời gian gần đây, bà Thu cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đặc biệt là cần sự phân rõ trách nhiệm. Nông sản không đảm bảo, không những ảnh hưởng tới sức khỏe hàng triệu người tiêu dùng, mà nền sản xuất nông nghiệp trong nước cũng vì đó mà lao đao theo.

Tuyết Nhung