Công bố “bản đồ” nước nhiễm thạch tín ở Hà NộiPGS.TS Trần Hồng Côn - chủ nhiệm bộ môn công nghệ hóa học kiêm trưởng phòng thí nghiệm công nghệ hóa môi trường (khoa hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội) - vừa công bố “bản đồ” mức độ nhiễm thạch tín (asen) trong hệ thống nước ngầm và nước cấp sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội. Trao đổi với TS, TS Côn cho biết: - Phải khẳng định không phải cứ có asen trong nước là độc hại. Asen là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể nhưng phải ở một mức độ nhất định. Trong nước phải có asen nhưng nếu ở mức độ vượt quá ngưỡng cho phép sẽ gây nguy hiểm. Mức độ cho phép đối với asen trong nước là 0,01mg/lít. + Vậy thưa ông, mức độ nhiễm asen trên địa bàn Hà Nội như thế nào? - Chúng tôi đã nghiên cứu, khảo sát hiện trạng nhiễm asen trong nước ngầm khu vực ở Hà Nội liên tục từ năm 1998 và đến nay công bố. Các kết quả cho thấy có khoảng 30% điểm giếng khảo sát có mức độ nhiễm asen trên 0,05mg/lít, còn ở mức vượt trên ngưỡng cho phép 0,01mg/lít thì có tới 50%. Khảo sát hiện trạng nhiễm asen trong tám bãi giếng đang khai thác nước ngầm phục vụ các nhà máy nước của Hà Nội cho thấy: nguồn nước thô tại các bãi giếng Mai Dịch (I), Ngọc Hà (II) và Lương Yên (V) gần như không bị nhiễm asen.
Các bãi giếng còn lại đều bị nhiễm asen trên 0,05mg/lít, đặc biệt là bãi giếng của Nhà máy nước Yên Phụ (III), Hạ Đình (VI) và Pháp Vân (VIII) bị nhiễm khá nặng. Đánh giá trên tổng thể cả nội và ngoại thành Hà Nội, khu bắc Hà Nội và tả ngạn sông Hồng có lượng asen trong nước ngầm thấp hơn, phía nam thành phố nhiễm nặng hơn, nhất là ở khu vực Thanh Trì có lượng asen trong nước ngầm cao nhất. Đối với nước cấp (tức là nước ngầm đã qua xử lý tại các nhà máy nước), sau khi lấy hàng ngàn mẫu về xét nghiệm chúng tôi nhận thấy nước cấp từ các nhà máy Hạ Đình, Pháp Vân, Yên Phụ có lượng asen vượt mức cho phép tương đối rõ, đều cao hơn tỉ lệ 0,01mg/lít (ba nhà máy được xếp theo thứ tự có hàm lượng asen từ cao xuống thấp). Mức độ asen trung bình trong nước đã qua xử lý của Nhà máy nước Yên Phụ là 0,05mg/lít, đây là mức trung bình, có thời điểm thấp hơn. Đối với hai nhà máy nước Hạ Đình và Pháp Vân cũng tương tự. Nước của hai nhà máy nước Mai Dịch và Ngọc Hà đảm bảo về lượng asen. Gần đây dư luận ở Hà Nội có lo lắng về mức độ nhiễm asen tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, nhưng qua khảo sát và phân tích, chúng tôi thấy lượng asen trong nước sinh hoạt ở đây không đến mức đáng lo ngại. Đo lượng asen ở nhiều thời điểm khác nhau, chúng tôi thấy có lúc vượt giới hạn cho phép nhưng cũng không ở mức quá cao... + Ông có thể lý giải vì sao nước của ba nhà máy nước Hạ Đình, Pháp Vân, Yên Phụ sau khi đã qua xử lý vẫn có hàm lượng asen cao hơn tiêu chuẩn được phép? - Công nghệ xử lý nước ngầm trở thành nước ăn và sinh hoạt hiện nay (gọi là nguồn nước cấp) chủ yếu nhằm để xử lý sắt. Khi xử lý sắt, một phần asen được xử lý do thải ra ngoài theo bùn sắt. Như vậy có thể nói công nghệ xử lý nước cấp của chúng ta hiện nay có xử lý asen nhưng không chủ định. Chính vì vậy những nguồn nước ngầm nhiễm asen nặng, nước sau khi xử lý để cấp cho sinh hoạt có thể không xử lý được asen đạt yêu cầu ở mức độ an toàn, hoặc có lúc thấp, có lúc vượt, chưa kiểm soát được... Chúng tôi cũng nhận thấy có một vấn đề tạm gọi là “nghịch lý” trong xử lý asen: các bể lọc nước nếu để lâu ngày tích lũy được nhiều hydroxit sắt thì khả năng xử lý asen tốt hơn, bể được lọc rửa có khả năng lọc nước tốt và nhanh hơn nhưng khả năng giữ asen lại giảm khiến lượng asen còn lại trong nước cấp có thể cao hơn. Bể lọc lại cần được thường xuyên rửa để tăng khả năng lọc sắt. Chính vì vậy lượng asen còn lại trong nước cấp sau khi xử lý cũng cao thấp khác nhau tùy từng thời điểm. Không phải do vấn đề công nghệ của những nhà máy này lạc hậu hơn, các nhà máy lọc nước hiện nay đều như nhau, lọc sắt là chính, lọc asen một cách không chủ định. Lượng asen ở những khu vực này cao hơn nên mức còn lại trong nước sau xử lý cũng cao hơn. + Vậy theo ông, biện pháp nào để khống chế hiệu quả được lượng asen trong nước sinh hoạt? - Muốn giữ lượng asen trong nước sinh hoạt ở mức cho phép, chúng tôi đã đề xuất với thành phố và các cơ quan chức năng cần cải tiến công nghệ lọc nước để xử lý asen ngay tại nguồn cấp nước. Còn đối với các hộ dân, có thể sử dụng bộ lọc asen tại nhà đối với nước dùng cho ăn uống là có thể yên tâm. THANH HÀ thực hiện Việt Báo (Theo_TuoiTre) |