Những độc chiêu của nông nghiệp Hà NộiChuyện nuôi lợn bằng cám sinh học ở Sóc Sơn Lần đầu tiên những nông dân Hà Nội được thử nghiệm một công nghệ chăn nuôi sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đặc biệt chất lượng thịt thơm ngon đến bất ngờ. Anh Tạ Văn Hưng xóm Tân Nương (Hiền Ninh, Sóc Sơn) nuôi lợn trên mười năm nay với mỗi lứa khoảng 25-30 con. Trước đây nuôi bằng cám công nghiệp, lợn lớn nhanh nhưng hay bị mắc bệnh tật, nhất là sưng đầu, phù mặt, tả, phó thương hàn dù có tiêm phòng hay không. Kết quả lứa hòa, lứa lãi chút ít, lứa lỗ khiến anh chán nản, bỏ trống chuồng chuyển nghề sang dựng phông bạt, cho thuê rạp mỗi khi làng xã có đình đám. Mới đây nghe công nghệ cám sinh học của anh Tạ Hùng Đậu (Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc) thấy hấp dẫn nên Hưng đồng ý nuôi thử nghiệm. “Tốc độ tăng trưởng của lợn ăn cám sinh học gần bằng cám công nghiệp nhưng được cái lợn không dịch bệnh. Tôi nuôi đã hai lứa rồi mà không mất một đồng thuốc thú y nào ngoài tiêm phòng mấy bệnh thường gặp. Lứa đầu tôi nuôi 10 con, sau 3 tháng 10 ngày bán trung bình mỗi con được 70-75 kg móc hàm với giá 75.000 đ, lãi 10 triệu. Thấy được, lứa này nuôi tiếp 16 con nữa. Giống lợn mình tự mua, bên anh Đậu cung cấp cám. Toàn bộ lợn đều được bấm tai, đeo số để theo dõi. Lợn ăn cám công nghiệp nhìn thoáng qua cũng biết, da hồng, mông nở, đi lại kềnh càng như người say rượu và đặc biệt là phân rất… thối. Nếu dính vào tay dù có rửa bằng xà phòng thơm mấy lượt mà vẫn thối. Lợn ăn cám trộn thảo dược vận động rất nhanh nhẹn, cửa chuồng làm thấp lợn dễ dàng nhảy qua và bài tiết phân, nước tiểu đỡ mùi hẳn”. Cũng cùng trong xóm Tân Nương, anh Dương Văn Hanh - một hộ nuôi lợn rất kinh nghiệm đang áp dụng cám sinh học trên đàn 19 con lợn, cho hay: "Lợn ăn cám công nghiệp hay bị ốm. Phân, nước tiểu của chúng bài tiết rất ô nhiễm, nhất là vào mùa hè dù có làm bể biogas đi chăng nữa. Hơn thế, thịt lợn nuôi cám công nghiệp thường hôi chứ không thơm, ngọt như nuôi cám sinh học. Từ hồi tôi mổ lợn ăn bằng cám sinh học, bà con cứ xếp hàng xin tiết canh về đánh ăn, trước cho không cũng chẳng ai lấy. Gan, lòng lợn luộc lên giòn, ngọt không bị khô dù có luộc quá lửa. Họ hàng, làng xóm có đám cưới, đám ma cũng nằng nặc xin để lại bảy tám con lợn để mổ ăn chứ không còn mua lợn ngoài về dùng nữa. Lứa này lứa thứ 4 tôi nuôi lợn bằng cám sinh học mà vẫn không mất đồng nào tiền thuốc thú y, rất nhàn nhã”. Anh Hanh hiện đang gấp rút hoàn thiện thêm 6 ô chuồng để có thể nuôi mới 70 con mỗi lứa. Do điều kiện nuôi kiểu tận dụng trong khuôn viên vườn, sát nhà nên nếu nuôi bằng cám công nghiệp mùi nặng rất khó chịu. Lợn nuôi bằng cám công nghiệp, hễ ăn no mùa hè lợn “rực” lên dễ chết ngốt, lúc đuổi lợn lên xe xuất bán là lợn lăn ra chết vì hệ tim mạch không đáp ứng được trọng lượng tăng trưởng quá nóng. Cám có thảo dược vừa điều tiết thân nhiệt vừa phòng trừ các bệnh lại bồi bổ chức năng gan, tiêu hóa cực tốt. Anh Hanh khẳng định: “Nếu bán cám sinh học mà không bao tiêu sản phẩm chúng tôi vẫn nuôi vì chất lượng cám, vì kết quả cuối cùng hiệu quả vẫn hơn cám công nghiệp. Trước lợn tôi nuôi thỉnh thoảng có lứa bị bệnh sưng phù đầu cứ con to là chết, con ăn khỏe là chết. Đàn lợn đang lớn ầm ầm bỗng một ngày thì nhau lao đầu vào tường chết. Con nào chữa được cũng bị ảnh hưởng thần kinh, nuôi chậm lớn gấp đôi thông thường. Bốn lứa này chẳng con nào bị mắc bệnh nguy hiểm ấy cả”. Mấy hộ nông dân Sóc Sơn quen Trạm trưởng Khuyến nông Phúc Yên Tạ Hùng Đậu cũng tình cờ từ việc anh đi chữa bệnh dịch vụ cho lợn. Có buổi tới 1 giờ sáng người ta còn thấy anh đè lợn ra, ngồi ngay cửa chuồng truyền nước qua tĩnh mạch cho từng con, muỗi đốt sưng chân cũng thây kệ. Có đợt dịch cả làng chết hết lợn, nhiều hộ sau đó dù bỏ trống chuồng rồi vẫn còn ghi sổ nợ đại lý cám vài chục triệu, anh cũng chẳng nề hà quá chuyện công xá. Nể sự nhiệt tình của anh mà họ áp dụng loại cám sinh học mới mẻ này. Giá cám chấp nhận được, không phải thay đổi chuồng trại cũng như đầu tư trang thiết bị thêm gì, đó chính là một lợi thế của kỹ thuật chăn nuôi mới. Lúc đầu do đầu ra chưa có nên các hộ này bán lợn theo thị trường tự do. Ba toa (người giết mổ) thấy lợn to ngại không bán hết nên chỉ xin mổ thử một con. Không ngờ thịt ngon, người tiêu dùng thích, bán rất sướng nên họ mua luôn cả đàn”. Hiện tại chuồng trại, mặt bằng, con giống của những hộ tham gia đều do nông dân tự xoay xỏa nên mở rộng quy mô rất tốn thời gian.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung Tâm Khuyến nông Hà Nội, sắp tới thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ một phần giá thức ăn để khuyến khích hơn nữa việc nuôi lợn sạch bằng cám sinh học, bước đầu sẽ áp dụng khoảng 150-200 con.
Hiện nguồn dược liệu cho việc phối chế cám sinh học được tuyển chọn từ miền núi phía Bắc, các nguyên liệu khác cho cám cũng được tuyển chọn những thứ tốt nhất. Theo anh Tạ Hùng Đậu-tác giả của cám sinh học, nuôi lợn theo phương pháp sạch phải tẩy giun sán hai lần mỗi lứa, thức ăn hoàn toàn chỉ dùng cám đã phối trộn hoặc nếu có thêm được bã rượu cho vào càng tốt vì giảm tiêu tốn thức ăn lại còn phòng ngừa giun sán. Lợn nuôi theo phương pháp này, ngủ khỏe, ít cắn nhau, vận động tốt, thịt săn chắc chứ không bệu thịt và ì ạch như lợn ăn cám công nghiệp. Lợn sạch được giết mổ theo quy trình chặt chẽ, chọn con đến tuổi khai thác, thịt chuẩn mới mổ, những con kém nuôi tiếp đến khi đạt. Khi mổ phải dùng 100% nước sôi để cạo lông chứ không cạo lông sống, vệ sinh thân thể sạch sẽ, cho lên xe chuyên dụng rồi mới chở về xưởng pha cắt, đóng gói. Do thanh trùng tốt nên thịt sạch để ngăn mát trong tủ lạnh hàng nửa tháng vẫn đảm bảo chất lượng. Tiềm năng thị trường lớn nhưng quy mô sản xuất của anh Đậu còn rất khiêm tốn. Anh đang phải thuê đất để chuẩn bị mở xưởng đóng gói, xưởng cám nhưng vẫn vướng phải khó khăn về vốn, về thiếu cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy. Với đồng lương công chức nhà nước ba cọc ba đồng như anh, ước mơ mở rộng sản xuất là điều thực khó. Dương Đình Tường |