Hiểm họa chết người từ không khí bẩnNgô Hoàng Việt nhiều năm nay chưa một lần dám quên khẩu trang khi đi xe máy ngoài đường. Anh sợ nhất lúc chiều tan tầm, vì đó là lúc Việt cảm nhận rõ nhất tình trạng bụi bặm và khói từ xe cộ. “Nhiều người nói con trai đeo khẩu trang trông sẽ mất vẻ nam tính, nhưng với tôi, quan trọng phải là bảo vệ sức khỏe”, nhân viên ngân hàng 27 tuổi nói. Sống trong nội thành Hà Nội, Việt thường xuyên bị ho, cay mắt, khô cổ họng và viêm mũi. Nhưng mỗi lần đi ra các tỉnh, Việt nói anh thấy dễ thở hơn.
Nguyễn Viết Phú, 25 tuổi ở Trung Tự, một khu tập thể đông dân ở quận Đống Đa của Hà Nội kể, khi đi qua những đoạn đường đang xây dựng, dù có khẩu trang và đeo kính, nhưng khi về đến nhà, hàng lông mi trên mắt anh biến thành màu nâu. “Mỗi khi trời mưa hết, đường khô, lúc đó thấy bụi dày đặc đường”, Phú cho biết. và kể thêm rằng anh từng một lần bị xe buýt phụt thẳng khói đen vào mặt khi đi phía sau nó. “Lúc đó, cảm giác là không thở nổi”. Cảm giác về ô nhiễm không khí của Phú và Việt đã được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học. Mới đây, trong báo cáo thường niên về môi trường các nước do hai trường đại học của Mỹ là Yale và Columbia thực hiện, Việt Nam nằm trong 10 nước có chất lượng không khí đô thị tệ nhất thế giới. Tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Việt Nam đã được giới khoa học cảnh báo từ rất lâu. Nhu cầu đi lại, quá trình đô thị hóa nhanh, trong khi chưa có biện pháp thích hợp đã khiến chất lượng không khí đang đi giảm xuống, đặc biệt là các đô thị lớn Hà Nội, TP HCM. Theo Báo cáo môi trường quốc gia 2010, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng và công nghiệp. Trong đó hoạt động giao thông góp 70% lượng khí thải gây ô nhiễm. Ước tính của Trung tâm quan trắc môi trường Việt Nam cho hay, hoạt động giao thông góp phần 85% lượng khí CO (một khí không màu, gây ngạt thở, nhói ở mũi, cổ họng), 95% lượng VOCs (các chất hữu cơ bay hơi có thể gây khô da, ảnh hưởng xấu đến hệ tuần hoàn, tiêu hoá, gan thận) và các loại khí độc hại khác. Biểu hiện rõ nhất về độ bẩn của không khí là lượng bụi hạt lơ lửng. Mật độ PM10 ở các nút giao thông của các thành phố lớn luôn vượt mức cho phép. PM10 là hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micromet, thường do xe môtô, nhà máy điện… trực tiếp thải ra. Loại bụi siêu nhỏ này dễ dàng xâm nhập vào phổi, mạch máu và gây ra các bệnh như tim, ung thư phổi, hen và nhiễm khuẩn đường hô hấp. Theo báo cáo trên, tại nút Kim Liên của Hà Nội, lượng bụi siêu nhỏ hiện cao gấp 17 lần mức cho phép; tại nút Đinh Tiên Hoàng của TPHCM, con số này là 26 lần. ‘Đúng là bẩn’ Là một chuyên gia nghiên cứu về môi trường không khí Việt Nam gần nửa thế kỷ qua, giáo sư Phạm Ngọc Đăng khẳng định: “Sự xếp hạng đó là đúng với thực tế ở các đô thị lớn ở nước ta, đặc biệt ở các thành phố lớn”. Giáo sư Đăng không phủ nhận nỗ lực và cố gắng của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường. Giáo sư cho hay, trong 20 năm qua, nhờ có nhiều biện pháp quan tâm tới giải quyết ô nhiễm môi trường nên mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam chỉ tăng lên khoảng 20-30%. Đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, cũng thừa nhận chất lượng không khí tại nhiều đô thị của Việt Nam đang suy giảm, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, ô nhiễm đến mức nào, có đúng như kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ hay không, thì “cần có thời gian kiểm định độ tin cậy cũng như tính chính xác”, ông Tuyến nói. Nguy cơ cho sức khỏe Ô nhiễm không khí lại gây tác hại vô cùng lớn tới sức khỏe con người. Không khí bẩn khiến sức khỏe con người bị suy giảm, đẩy nhanh quá trình lão hóa, gây bệnh về phổi, suy nhược thần kinh, tim mạch, ung thư và làm giảm tuổi thọ. Các đô thị lớn là nơi có tỷ lệ bệnh phổi cao nhất. Chẳng hạn, theo số liệu của Bộ Môi trường năm 2008, TP HCM có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao gấp 5 lần các tỉnh như Điện Biên hay Bắc Cạn. Trong cùng một đô thị, tỷ lệ mắc bênh hô hấp của người làm việc ngoài trời cao hơn hẳn so với các nhóm khác. Cảnh sát giao thông của TP HCM có tới 62% mắc các bệnh tai mũi họng, so với chỉ 36% của dân thường. Theo các chuyên gia của WHO, việc giảm mật độ hạt bụi nhỏ có thể làm giảm đáng kể số người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Trước tình hình ô nhiễm này, ông Tuyến của Bộ Tài nguyên Môi trường cho hay Bộ sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí ở cấp quốc gia và các địa phương, chú trọng chất lượng không khí cho Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn. Giới chức cũng sẽ tìm cách quy hoạch hợp lý hơn các tuyến giao thông, tăng phun nước và quét đường, trồng thêm cây xanh. Giáo sư Đăng nhận xét rằng Việt Nam hiện nay chủ yếu quan tâm giải quyết ô nhiễm môi trường nước hơn là môi trường không khí, vì ô nhiễm môi trường nước có thể nhận biết dễ dàng hơn. Thấm thía nỗ khổ mà bệnh tai mũi họng mang đến, anh nhân viên ngân hàng Hoàng Việt khuyến cáo với bạn bè rằng ô nhiễm sẽ ăn mòn sức khỏe. “Nó gặm nhấm từ từ nên khó mà thấy ngay hậu quả được. Tôi nghĩ ô nhiễm không khí cũng kinh như thuốc lá”, Việt nói. Và trong khi chờ các kế hoạch làm sạch môi trường, Việt cho biết anh vẫn quyết giữ tấm khiên che cho miệng và mũi, dù có bị giảm vẻ điển trai. “Biết khi nào đỡ bụi? Có lẽ tôi chẳng dại gì mà bỏ khẩu trang ra”, anh nói.
Theo Vnexpress |