khó... thân thiện môi trường

Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ bức xúc về bộ tiêu chí của Bộ Tài nguyên - Môi trường dành cho bao bì nhựa tự phân hủy sinh học dùng gói hàng khi mua sắm

Hiện nay, ngoài túi ni lông thông thường (khó phân hủy), trên thị trường xuất hiện hai dòng sản phẩm mới được các nhà sản xuất giới thiệu là thân thiện với môi trường: túi ni lông có chứa chất phụ gia phân hủy ôxy hóa và túi ni lông có độn thành phần sinh học. Tuy nhiên, các loại sản phẩm này có thực sự thân thiện hay không thì chưa cơ quan nào chứng nhận nên vẫn phải đóng thuế môi trường như loại túi ni lông thông thường (Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2012).

Không thực tế

Năm 2010, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) ban hành tiêu chí nhãn xanh đối với ba nhóm hàng hóa, trong đó có bộ tiêu chí NXVN 03:2010 dành cho bao bì nhựa tự phân hủy sinh học dùng gói hàng khi mua sắm. Tinh thần chung của bộ tiêu chí này là yêu cầu sản phẩm phải tự phân hủy, cụ thể là phân hủy sinh học thành CO2 và H2O, trong thời gian từ 3 năm trở xuống (thay vì 100 năm như trước đây). Tuy nhiên, Bộ TN-MT cũng nhấn mạnh rằng bộ tiêu chí chỉ áp dụng đối với sản phẩm bao bì tự phân hủy sinh học dùng gói hàng khi mua sắm. Điều đó đồng nghĩa các sản phẩm bao bì khác vẫn chưa có tiêu chí.


Tại một điểm phân loại rác ở TPHCM. Cần có quy định cụ thể về túi thân thiện môi trường

Cuối năm 2011, Bộ TN-MT thực hiện chương trình cấp nhãn sinh thái, bắt đầu bằng việc cấp thí điểm “Nhãn xanh Việt Nam” cho một số sản phẩm thân thiện với môi trường. Đã có nhiều doanh nghiệp bao bì cố gắng để được gắn nhãn xanh vì theo Nghị định 04 của Chính phủ về ưu đãi hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường phải được cấp nhãn sinh thái của tổ chức được Nhà nước công nhận.

Thế nhưng, sau một thời gian, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ bức xúc vì nếu áp theo bộ tiêu chí của Bộ TN-MT thì không sản phẩm nào được nhãn xanh. Ông Nguyễn Phước Đông, Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Vafaco, cho rằng sản phẩm túi tự hủy của đơn vị đã được các tổ chức quốc tế công nhận nhưng về Việt Nam vẫn “không có cửa”. Ngay cả Sở TN-MT TPHCM cũng thừa nhận bộ tiêu chí này còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Rủi ro cho doanh nghiệp

Sở TN-MT TPHCM vừa trình UBND TP dự thảo tiêu chí đối với túi ni lông thân thiện với môi trường. Ba dạng túi thân thiện được đề xuất là túi có nguồn gốc sinh học (trên 90% thành phần cấu tạo có nguồn gốc sinh học), túi có chứa chất độn sinh học và túi chứa phụ gia phân hủy sinh học. Tổng thời gian phân hủy của các loại túi này không quá 5 năm.
Quan trọng nhất là trong thành phần túi không có chì, thủy ngân, cadimi, crôm và nồng độ kim loại nặng không quá 100 ppm (1/10.000). Sở này đã đề xuất UBND TP sớm ban hành tiêu chí tạm thời về túi ni lông thân thiện môi trường để làm cơ sở định hướng cho đơn vị sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Động thái trên của Sở TN-MT TP được nhiều doanh nghiệp ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp băn khoăn. “Tiêu chí do Sở TN-MT TP đưa ra là rất tốt nhưng chúng tôi không dám sản xuất theo vì nếu Bộ TN-MT không đồng ý, chúng tôi sẽ gặp rủi ro” - một doanh nghiệp cho biết.

Chờ quy định

Ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (Tổng cục Đo lường Chất lượng), cho biết thời gian qua, đơn vị đã thực hiện đánh giá khả năng tự phân rã cho rất nhiều sản phẩm bao bì, còn đánh giá khả năng phân hủy thì vẫn chưa. “Chúng tôi đang chờ quy định cụ thể của các bộ, ngành liên quan về túi thân thiện môi trường” - ông Lâm nói

Nguồn : nld.com.vn