Đưa khoa học công nghệ vào bảo vệ môi trườngĐột phá trong sàng tuyển than Trước đây, công đoạn sàng tuyển than tại các mỏ than Việt Nam hầu hết là áp dụng công nghệ sàng khô tách cám than nguyên khai, nhặt tay thủ công và loại bỏ bớt đá thải tại mỏ. Vì vậy, các mỏ thường phải tổ chức nhặt tay, sàng đi sàng lại nhiều lần làm tăng chi phí sản xuất, vỡ vụn than cục. Viện Khoa học Công nghệ Mỏ chuyển giao công nghệ cho các mỏ có dây chuyền tuyển than với các module công suất 250.000 tấn/năm đến 650.000 tấn/năm. Tổng công suất các dây chuyền tuyển than áp dụng theo công nghệ tuyển tang quay được thiết kế là 5.600.000 tấn/năm, chiếm hơn 12% tổng sản lượng khai thác than toàn ngành. Trong đó, công nghệ mới đã được ứng dụng tại nhiều mỏ than như: Than Cọc 6, Núi Béo, Đèo Nai, Quang Hanh, Hà Lầm... Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng thiết bị cỡ lớn như một giải pháp làm giảm mật độ các nguồn gây bụi và phát thải khí độc hại trên mỏ, dẫn đến làm hạn chế sự phát thải bụi và khí độc hại vào môi trường. Một biện pháp hiệu quả và đơn giản để làm giảm lượng bụi trong quá trình xúc bốc đó là thường xuyên tưới nước lên đống đá.
Đã có 18 trạm xử lý nước thải mỏ được khởi công xây dựng trong năm 2012, trong đó, 4 trạm xử lý nước thải mỏ lộ thiên và 14 trạm xử lý nước thải hầm lò; hệ thống rửa ôtô tuyến Núi Béo - cảng Nam Cầu Trắng; hệ thống rửa toa xe tuyến Cẩm Phả - Cửa Ông (Công ty Tuyển than Cửa Ông); cải tạo phục hồi môi trường bãi thải Công ty 35 (Tổng Công ty Đông Bắc), bãi thải vỉa 7, vỉa 8 Công ty Cổ phần Than Hà Tu... Quy hoạch đồng bộ bãi thải mỏ Đối với việc xử lý các bãi thải, để ổn định, TKV đã thay đổi công nghệ đổ thải, trong đó các bãi thải mới sẽ phải được thiết kế theo dạng bãi thải phân tầng, các bãi thải chưa đảm bảo sẽ được cải tạo, san cắt tầng. Công nghệ này đã được ứng dụng cho cải tạo các bãi thải V.7, 8 Hà Tu, lộ vỉa 14 Hà Tu (cũ), Ngã Hai, Chính Bắc - Núi Béo, Nam Lộ Phong - Hà Tu, Khe Rè - Cọc Sáu. Nhằm ổn định sườn bãi thải, chống sạt lở đất đá, giải pháp sử dụng cỏ vetiver đã được áp dụng thử nghiệm từ năm 2007 tại sườn phía tây bãi thải Chính Bắc - Công ty CP Than Núi Béo. Sau thời gian trồng hơn 1 năm, bộ rễ cỏ có chiều dài 1,2-1,4m, hệ rễ chùm, tạo thành bộ lưới sinh học giữ cho đất đá trên sườn bãi thải không bị sạt lở. Công nghệ xử lý nước thải được áp dụng có sự thay đổi lớn theo hướng ngày càng tiến bộ và hiện đại, từ hố lắng kết hợp sữa vôi đến phương pháp hóa - lý và lọc cơ học có áp lực. Các trạm xử lý nước thải thuộc thế hệ đầu tiên được áp dụng công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực là Hà Ráng, Hà Khánh, +260 và +320 Đồng Vông, +41 Lộ Trí, +131 Tràng Khê, Khe Chàm... Cùng với đó, các trạm xử lý thế hệ thứ hai như: Vàng Danh, Mạo Khê đã được áp dụng công nghệ tấm lắng nghiêng nhằm tăng tốc độ lắng, đồng thời hạn chế diện tích bể lắng sử dụng so với công nghệ bể lắng ngang. Đơn cử như Công ty CP Than Cọc Sáu nhờ chủ động áp dụng khoa học công nghệ mới nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất khai thác, đảm bảo doanh thu và ổn định đời sống người lao động. Hằng năm, công ty phải bóc xúc bình quân trên 30 triệu m3 đất đá, bơm hút ra khỏi đáy mỏ hàng chục triệu m3 nước. Những năm gần đây, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn do phải xuống sâu, công ty đã tập trung vào đổi mới công tác quản lý, điều hành, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác. Bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác, Cọc Sáu luôn tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động như: Ban hành các quy chế cũng như tăng cường khâu kiểm tra, chấm điểm công tác môi trường hằng tháng để xét thi đua, đưa các chỉ tiêu bảo vệ môi trường đến tận các đơn vị, phòng, ban; tất cả các đơn vị trong công ty đều phải xây dựng kế hoạch chi tiết về bảo vệ môi trường tại đơn vị mình. Đặc biệt, công ty đã nghiên cứu và thay đổi một phần trong dây chuyền sản xuất, sử dụng các loại khoan xoay cầu, khoan thủy lực hiện đại có bộ phận lọc, ngăn và dập được bụi ngay tại lỗ khoan, đồng thời nổ mìn bằng công nghệ vi sai với thuốc nổ ANFO chịu nước... do vậy đã hạn chế được phần lớn lượng bụi và không tạo khí độc sau các vụ nổ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Ý thức và trách nhiệm Bảo vệ môi trường trong khai thác than những năm qua luôn được Tập đoàn đặc biệt quan tâm và coi đó là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Nhằm tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, TKV đã xây dựng và ban hành nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, đồng thời mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức đối với công tác bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác môi trường. Qua đó, nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của lãnh đạo, người lao động các đơn vị thuộc TKV đã chuyển biến tích cực; chất lượng môi trường vùng than Quảng Ninh đã được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, mỗi năm TKV dành khoảng 700 tỉ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Cùng với đó, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tổ chức quan trắc môi trường theo định kỳ cũng được các đơn vị thành viên đặc biệt quan tâm. Hiện tại, TKV đã có 66/67 khu vực khai thác than, 7/12 cảng than được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, 4 cảng được xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường.
Minh Châu |