Trồng rau, nuôi lợn sạch: Bí mật thuê 'tình báo' theo dõiThuê “tình báo” làm việc tại các cửa hàng thực phẩm sạch, làm công nhân các trại chăn nuôi hay lắp camera theo dõi quá trình trồng rau, nuôi lợn,... Đó là những chiêu được người làm thực phẩm sạch tiết lộ để giữ uy tín và đảm bảo rằng, sản phẩm họ bán ra thị trường sạch hoàn toànBí mật cài “tình báo” theo dõi Kể về câu chuyện thương hiệu lợn giun quế 10 năm chưa một lần gặp rắc rối về chất lượng, luôn có được
chỗ đứng trên thị trường và lấy lòng được người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Loan,
chủ trang trại lợn giun quế tại Sóc Sơn (Hà Nội), chia sẻ, ngoài cách nuôi đạt
chuẩn thì điều đem lại sự thành công bền vững còn là cách quản lý. Bà Loan tâm sự, khi mở
rộng quy mô trang trại vệ tinh để tăng nguồn cung ra thị trường, chuyện quản lý
các trại nuôi để đảm bảo đúng quy trình không phải chuyện dễ dàng. “Tôi đã mất mấy năm trời để tìm tòi và nghiên
cứu ra cách nuôi lợn sạch bằng giun quế, cám ngô, cám gạo và rau. Đặc biệt, khi
có thành phẩm, tôi còn bỏ cả chục triệu đồng để đem các mẫu thịt lợn đi kiểm
nghiệm xem thịt đã thực sự "sạch" chưa. Do đó, tôi luôn trăn trở làm
sao để các trại nuôi vệ tinh cũng phải đảm bảo cho thịt lợn sạch, thơm ngon như vậy”,
bà Loan nói. Nghĩ mãi, cuối cùng bà
Loan cũng quyết định thuê “tình báo” để theo dõi. 6 trang trại vệ tinh, mỗi nơi
bà cài một “tình báo” vào làm việc. Hàng ngày, họ sẽ báo cáo tình hình tại trại
nuôi, lợn ăn loại cám gì, được uống những loại thuốc nào,... Nếu phát hiện các
chủ trại làm ăn gian dối, lập tức báo về để bà xử lý ngay. “Các trại lợn vệ tinh
đều được tôi cấp giống, cấp thức ăn, cấp thuốc thú y. Đến kỳ xuất chuồng, chủ
trại sẽ được trả công với mức giá 6.000 đồng/kg lợn hơi. Nhiều chủ trại hám lợi,
thúc cho lợn ăn cám tăng trọng để đạt trọng lượng tốt hơn nên tôi phải làm vậy”,
bà Loan cho hay. Không chỉ bà Loan, các
cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ thịt lợn từ trại của bà cũng được bà cài “tình
báo” để theo dõi. Mục đích là để bà kiểm soát xem các chủ hàng có trà trộn thêm
thịt lợn khác vào không, nhất là khi nhu cầu mua thịt lợn giun quế rất cao,
luôn trong tình trạng cháy hàng. “Cuối năm 2014, sau
khi phát hiện một cửa hàng thực phẩm sạch ở Thanh Xuân (Hà Nội) trà trộn thịt lợn
thường vào bán cho khách với giá cao, tôi đã cắt ngay hợp đồng cung cấp thịt
cho cửa hàng đó”, bà chia sẻ. Tuy nhiên, bà Loan cho
hay, các “tình báo” cũng phải cam kết, nếu bà cho người đi kiểm tra đột xuất mà
phát hiện ra chuyện chủ cửa hàng hoặc chủ trang trại vẫn làm ăn gian lận thì
“tình báo” bị phạt trừ lương và cắt hợp đồng. Anh Thành Nam, chủ một
chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hoàng Mai (Hà Nội), chia sẻ, để giữ uy tín,
anh cũng thuê cả một đội “thám tử” thỉnh thoảng thâm nhập vào các trang trại
cung cấp nguồn hàng. Làm như vậy anh mới theo dõi được quy trình trồng, chăn
nuôi, xem những nơi đó có đảm bảo sạch như chủ trại giới thiệu hay không. Theo anh Nam, giờ chỗ
nào cũng giới thiệu là thực phẩm sạch, trong khi các giấy tờ chứng nhận thì mua
bán một cách dễ dàng nên anh nghĩ ra cách làm trên. Lắp cả camera giám sát Không đến mức phải cài “tình báo” vào trại rau hữu cơ của nhà mình nhưng ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc một công
ty chuyên về phần mềm ở Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ, trại rau hữu cơ của ông rộng
hơn 1.000 m2 được ông đầu tư lắp cả một hệ thống camera xung quanh để theo dõi
quá trình trồng và chăm sóc của người làm. Ông Hòa cho hay, ông
không tin tưởng nguồn rau ở chợ cũng như siêu thị nên phải tự bỏ tiền mua đất, thuê
người trồng rau lấy rau cho gia đình ăn và tặng bạn bè hay đối tác làm ăn. Tuy
nhiên, vì công việc bận rộn, vườn rau hữu cơ của ông lại cách trung tâm thành
phố tận 20 km nên ông không thể có mặt thường xuyên ở trang trại để kiểm tra. “Mình lắp camera xung
quanh trại rau nên có thể quan sát được tất cả các góc cạnh, kiểm tra được người
làm chăm sóc rau như thế nào, bón phân gì cho rau, theo dõi xem rau tại vườn có
bị tuồn bớt ra ngoài thị trường hay không. Khi cần rau, họ có cắt tại trại cho
mình hay đi ra chợ mua đại mấy loại rau khác”, ông Hòa nói. Hệ thống camera lắp ở
trang trại trồng rau còn giúp ông kiểm tra được vườn rau vào bất cứ thời điểm
nào trong ngày. Tuy nhiên, đôi khi ông vẫn phải thuê “thám tử” theo dõi quá
trình rau vận chuyển rau từ trại về nhà cho ông để xem họ có tráo rau của mình
hay không. Tương tự, khu trang trại
của gia đình chị Vũ Thị Kim (Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) cũng được đầu tư lắp cả
một hệ thống camera từ chuồng trại, vườn rau, khu nhà kho trữ đồ đã thu hoạch
được... “Người làm giờ họ tinh
ranh lắm, ngoài lương mình trả thì họ cũng tìm đủ cách để kiếm thêm. Ngày trước,
chị đã từng được một người dân sống cạnh trang trại báo người làm bán trộm gà,
trộm bưởi từ trại của chị. Trứng gà, rau cũng bị bán ra ngoài cho các mối khác
với giá cao, buộc chị phải trang bị camera để theo dõi. “Đồ của mình phải thuê
người làm để đảm bảo chất lượng tốt nhất nên họ tuồn rau của mình ra ngoài rồi
trà trộn hàng khác vào thì thiệt đơn, thiệt kép. Nhưng giờ lắp camera rồi thì
khó cái gì lọt ra được ngoài trại được”, chị Kim cho hay. Bảo Phương |