Bộ NN&PTNT phản hồi về 5 quy định chưa tốt cho doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Kim Anh- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết, bộ này vừa có công văn phúc đáp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và trao đổi một số nội dung liên quan đến 5 quy định chưa tốt, do cộng đồng doanh nghiệp bình chọn.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đã chủ động hoàn thiện các thể chế, quy định pháp luật và trong quá trình hoàn thiện đó có 3/5 quy định mà VCCI nêu ra đã được chủ động tháo gỡ, rà soát, sửa đổi.

Cụ thể, đối với quy định về tỷ lệ mạ băng – hàm ẩm của cá tra xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đã chủ động xây dựng Nghị định số 36/2014/NĐ-CP sửa đổi theo hướng không quy định tỷ lệ mạ băng – hàm ẩm của cá tra xuất khẩu để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có thể chọn tỷ lệ mạ băng phù hợp với thị trường xuất khẩu. Đến nay, nghị định này đang được Chính phủ xem xét, ban hành...

 

Bà Kim Anh 

Bà Nguyễn Thị Kim Anh

Đối với Thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, bà Kim Anh cho biết Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động sửa đổi đối với quy định yêu cầu da thành phần phải thực hiện thủ tục kiểm dịch thực vật như các loại da nguyên liệu (da chưa qua quá trình thuộc).

Cùng với đó, Bộ cũng chủ động giải quyết cụ thể đối với điều kiện liên quan tới cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), theo Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT. 

"Các nội dung quy định tại Điều 33 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT đã được bãi bỏ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã trực tiếp bãi bỏ các điều kiện liên quan tới cơ sở buôn bán thuốc BVTV quy định điều kiện đầu từ kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm (Điều 4) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực "- bà Kim Anh nói.

Bên cạnh đó, đối với phản hồi của một số doanh nghiệp liên quan tới quy định thứ tư là tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký thuốc BVTV chỉ được “đăng ký một hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV” (tại Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT), bà Kim Anh khẳng định, đây là quy định nhằm giảm khó khăn cho nông dân trong việc lựa chọn, sử dụng thuốc BVTV; góp phần đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV; không làm ảnh hưởng đến đối tượng dịch hại, đối tượng cây trồng mà các doanh nghiệp đã đăng ký....

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT bảo lưu quy định thứ năm: Hàng hóa có nguồn gốc thực vật chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam nếu nước xuất khẩu có tên trong danh sách các nước đã đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. (Quy định này nằm tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 12/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/3/2015 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu). Lý do là vì quy định này hợp với thông lệ quốc tế và đang được nhiều nước áp dụng.

Bà Kim Anh lý giải: "Quy định về phương thức kiểm tra của Thông tư 12 phù hợp thông lệ quốc tế và hiện nhiều nước đang áp dụng biện pháp này, như: Indonesia, Trung Quốc.… Đến thời điểm này, nhiều nước đã gửi hồ sơ đăng ký và Việt Nam đã công nhận 40 nước có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm được xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. Quy định này đặt trách nhiệm của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu, là cam kết của nước xuất khẩu về công tác  kiểm soát an toàn thực phẩm đối với chất lượng sản phẩm xuất khẩu vào Việt Nam; góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa nhập vào Việt Nam".

Ngày 28/2, VCCI đã công bố kết quả cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất, tồi nhất sau hơn 1 năm tiến hành bình chọn. Cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016 do VCCI phát động. Sau khi sang lọc, ban tổ chức đã quyết định bình chọn ra 30 quy định tốt nhất và 30 quy định tồi nhất.

Danh sách các quy định này được gửi cho 17 cơ quan ban hành hoặc chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo để lấy ý kiến giải trình. Ban tổ chức đã nhận được 12 công văn phúc đáp của các bộ. Trong 5 cơ quan không có công văn phúc đáp thì Bộ GD&ĐT và Bộ NN&PTNT có đề cử quy định tồi.

Khánh Linh